Tuyên bố chung của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc về vấn đề thay thuyền viên trong đại dịch COVID-19
Tuyên bố chung của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc về  vấn đề thay thuyền viên trong đại dịch COVID-19 Tuyên bố chung của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc về vấn đề thay thuyền viên trong đại dịch COVID-19

Bản Tuyên bố chung của các Tổ chức thuộc Liên hợp quốc, đề ngày 10/9/2020, đã kêu gọi tất cả các chính phủ  lập tức công nhận thuyền viên là những lao động chủ chốt (key workers) đồng thời thực hiện hành động một cách nhanh chóng và hiệu quả để xóa bỏ các trở ngại trong việc thay thuyền viên, nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng nhân đạo mà ngành hàng hải đang phải đối mặt, bảo đảm an toàn hàng hải và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi phục kinh tế từ đại dịch COVID-19.

1. Ngành vận tải biển đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo

Ngành vận tải biển vận chuyển hơn 80% tổng khối lượng hàng hóa lưu thông của thương mại thế giới và là huyết mạch của kinh tế toàn cầu. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19, ngành vận tải biển, đặc biệt là thuyền viên - lực lượng vận hành và duy trì hoạt động của ngành, đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thực hiện thay thuyền viên làm việc trên tàu. Cùng với nhiều lý do khác, nguyên nhân chính đến từ các lệnh cấm đi lại, cấm nhập và rời tàu tại các cảng biển, các biện pháp cách ly, việc cắt giảm các chuyến bay thương mại cố định, việc hạn chế cấp thị thực và hộ chiếu.

Nhờ có sự hy sinh của lực lượng thuyền viên - những người vẫn tiếp tục nỗ lực làm việc trên tàu dù cho Hợp đồng lao động đã hết hạn, mà các cảng biển vẫn được mở cửa, hoạt động khai thác hàng hóa được thực hiện một cách kịp thời, đúng hạn và hàng hóa tiếp tục được lưu thông thuận lợi, suôn sẻ. Thế giới thực sự mang ơn những người thuyền viên vì nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu trong cơn đại dịch.

Những biện pháp mà rất nhiều chính phủ đang áp dụng để hạn chế hoặc cản trở các công ty khai thác tàu thực hiện việc thay thuyền viên đã trở thành trở ngại lớn về vận hành của ngành hàng hải, ảnh hưởng đến việc lưu thông an toàn và hiệu quả của thương mại toàn cầu. Điều này cũng đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi mà có khoảng 300,000 thuyền viên bị kẹt trên tàu ở nước ngoài mà không thể hồi hương cùng với số lượng tương đương những thuyền viên dự trữ trên bờ không có việc làm vì không thể nhập tàu. Những thuyền viên trên tàu đã phải gia hạn hợp đồng, có người đã làm việc hơn 17 tháng và đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, cả về tinh thần và thể chất, có thể dẫn đến nguy cơ về hội chứng tự hại bản thân hoặc thậm chí là tự vẫn. Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Liên đoàn Công nhân vận tải Quốc tế (ITF) đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi khẩn cấp của các thuyền viên và gia đình họ xin được hỗ trợ và giúp đỡ.

Các quyền lợi của thuyền viên, như đã được tuyên bố trong Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC 2006), đã được sửa đổi, bổ sung và trong các văn kiện quốc tế khác, ghi nhận họ có quyền đi bờ, nghỉ phép năm, chỉ phải làm việc trên tàu trong thời gian tối đa 11 tháng, hồi hương và được hưởng sự chăm sóc y tế cả trên tàu và trên bờ đã không được các chính phủ tôn trọng tuyệt đối.

Tình trạng mệt mỏi ngày càng gia tăng của thuyền viên đã đe dọa đến sự an toàn của ngành hàng hải. Tính liên tục hiệu quả của thương mại và sự hoàn chỉnh, không gián đoạn của chuỗi logistics toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi những con tàu với những thuyền viên mệt mỏi sẽ không thể hoạt động vô thời hạn. Các tàu cá thương mại, lực lượng quan trọng góp phần vào việc duy trì an ninh thực phẩm và sinh kế, cũng phải đối mặt với vấn đề không thể thay thuyền viên nêu trên.

Trước tình trạng đó, điều cấp thiết hiện nay là các chính phủ hãy khẩn trương công nhận thuyền viên là lực lượng lao động chủ chốt và ngay lập tức tiến hành các biện pháp đồng nhất để loại bỏ các trở ngại đối với việc thay thuyền viên, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này và đảm bảo an toàn hàng hải, sự ổn định của ngành vận tải biển và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

2. Đối thoại xã hội và phối hợp hành động

Từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn ra, Liên đoàn Công nhân vận tải Quốc tế (ITF), Văn phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS), các tổ chức quốc gia và quốc tế đã không ngừng nỗ lực sử dụng đối thoại xã hội đồng thời phối hợp, làm việc sáng tạo, liên tục và không mệt mỏi để giải quyết các vấn đề trên. Trong số các biện pháp đó có việc xây dựng các nghị định khung về việc thay thuyền viên an toàn cùng với các hướng dẫn khác.

Các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc đã tích cực phối hợp để giải quyết tình trạng này, bao gồm việc phê chuẩn các nghị định khung để thay thuyền viên an toàn và ban hành các văn kiện để đảm bảo bảo vệ quyền lợi của thuyền viên trong đại dịch. Các cơ quan này đã ban hành các tuyên bố riêng và tuyên bố chung để nhấn mạnh tình hình cấp bách này và đã tiếp xúc chiến lược với các chính phủ chủ chốt – bao gồm các quốc gia có lượng tàu mang cờ lớn, các chính quyền cảng và các quốc gia cung ứng lao động để loại bỏ các trở ngại đối với việc thay thuyền viên trong lúc vẫn đảm bảo an toàn và sức khỏe cộng đồng.

Sự cấp thiết của việc giải quyết khủng hoảng về thay thuyền viên đã được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung của Hội nghị chính thức hàng hải quốc tế về việc thay thuyền viên tổ chức ngày 9/7/2020 và trong tuyên bố của các quốc gia G7 về các Nguyên tắc Vận tải cấp cao để ứng phó với Covid-19 (ngày 29/7/2020).

Trong Nghị quyết 44/12 được thông qua ngày 17/7/2020, Ủy ban Nhân quyền đã ghi nhận mối liên quan giữa Những nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19 và sự cần thiết phải đảm bảo các nguyên tắc kinh doanh một cách có trách nhiệm của các quốc gia trong đại dịch như là một phần của quá trình phục hồi kinh tế.

3. Các biện pháp cấp thiết cần thực hiện

Mặc dù nhiều quốc gia đã đáp lại các tuyên bố trên và kêu gọi hành động, tỷ lệ thuyền viên được thay vẫn còn rất thấp so với nhu cầu để có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nó sẽ ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, việc bảo vệ môi trường biển, sự liên tục của thương mại quốc tế và khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Các chính phủ cần khẩn trương và tăng cường chú trọng hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề này.

Yêu cầu các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc khẩn trương thực hiện các biện pháp sau:

- Công nhận thuyền viên là “lực lượng lao động chủ chốt”, cung cấp dịch vụ thiết yếu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập tàu và rời tàu của họ được an toàn, không bị cản trở;

- Thực hiện các cuộc tham vấn quốc gia với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và cơ quan liên quan để xác định những trở ngại đối với việc thay thuyền viên, thiết lập và thực hiện các kế hoạch có thời hạn và có thể đo lường được để tăng tỷ lệ thuyền viên được thay;

- Tham vấn với các tổ chức đại diện cho chủ tàu và thuyền viên khi triển khai và thực hiện các biện pháp liên quan đến, hoặc ảnh hưởng đến việc thay thuyền viên, đặc biệt đối với các quốc gia đã phê chuẩn Công ước lao động hàng hải MLC 2006 trong vấn đề tuân thủ triệt để các quy định được nêu trong Công ước.

- Thực hiện các cách thức thay thuyền viên, dựa trên phiên bản mới nhất của Khung cách thức khuyến nghị để đảm bảo việc thay và đi lại an toàn của thuyền viên trong đại dịch COVID-19;

- Hạn chế việc cho phép bất kỳ gia hạn mới nào đối với các hợp đồng lao động của thuyền viên vượt quá thời hạn tối đa là 11 tháng theo quy định của MLC 2006;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi hành trình của tàu từ các tuyến thương mại bình thường của đến các cảng được phép thay thuyền viên;

- Chấp thuận rằng các văn kiện được công nhận quốc tế là bằng chứng ghi nhận thuyền viên là lực lượng lao động chủ chốt và việc di chuyển, đi lại của họ là để phục vụ cho việc thay thuyền viên. Các tài liệu được chấp thuận bao gồm các giấy chứng nhận được ban hành theo Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn Đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca đối với thuyền viên, các giấy tờ tùy thân của thuyền viên được cấp theo Công ước về giấy tờ tùy thân của thuyền viên năm 1958 (Số 108) và Công ước về giấy tờ tùy thân của thuyền viên sửa đổi năm 2003, đã được sửa đổi, bổ sung (số 185). Các văn bản được ban hành bởi công ty của thuyền viên hoặc các hợp đồng lao động được thuyền viên mang theo cũng được coi là giấy tờ chứng minh họ là thuyền viên nhập hoặc rời tàu;

- Tạo điều kiện cho thuyền viên được tiếp cận ngay lập tức với các trang thiết bị y tế tại các cảng biển. Nếu các cảng không có trang thiết bị chăm sóc y tế cần thiết, cần đánh giá tình trạng sức khỏe của thuyền viên để có sự quan tâm y tế kịp thời. Chú ý giải quyết tình trạng của các thuyền viên mà đơn thuốc điều trị thiết yếu của họ đã quá hạn do thời gian làm việc trên tàu kéo dài quá lâu so với dự kiến.

- Xem xét lại (phối hợp với các bộ, ban ngành về y tế, xuất nhập cảnh và các cơ quan liên quan khác) sự cần thiết của các chính sách hạn chế trên toàn quốc và/hoặc địa phương có thể được tiếp tục áp dụng đối với việc di chuyển, đi lại của thuyền viên phục vụ cho việc thay người trên tàu, bao gồm cả việc cho phép họ được miễn trừ cách ly hay các biện pháp hạn chế tương tự phù hợp với các quy định quốc tế hoặc các hướng dẫn về y tế.

- Tăng cường các chuyến bay thương mại đến và đi từ các quốc gia quê hương của thuyền viên, tại các sân bay gần cảng biển thuận tiện cho việc thay thuyền viên.

- Cho phép thuyền viên rời tàu tại các cảng biển và quá cảnh trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia có cảng biển đó (chẳng hạn như đến một sân bay) để thay người và hồi hương;

- Cho phép các thuyền viên là công dân hoặc thường trú nhân của nước mình được hồi hương và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hồi hương;

- Tạo điều kiện cho thuyền viên là công dân hoặc thường trú nhân của nước mình xuất cảnh để nhập tàu;

- Thực hiện đối thoại song phương và đa phương giữa các quốc gia để loại bỏ các trở ngại đối với việc đi lại khi nhập và rời tàu của thuyền viên;

- Thực hiện các hướng dẫn được ban hành bởi các cơ quan của Liên Hợp Quốc và phổ biến các hướng dẫn của ngành hàng hải để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của thuyền viên cũng như cả cộng đồng;

- Thực hiện các hành động hữu ích khác để giải quyết vấn đề này.

Chúng tôi đề nghị các chính phủ chuyển nội dung của Tuyên bố chung này tới các cơ quan chức năng và cơ quan liên quan khác của quốc gia mình.

 

Tuyên bố chung được ký bởi:

- Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO);

- Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

- Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD);

- Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM);

- Giám đốc - Tổng thư ký Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO);

- Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR);

- Tổng thư ký Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và

- Giám đốc điều hành của Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc.

 

(Nguyễn Mai Anh, P. KHTH, dịch từ bản Tuyên bố chung được IMO công bố tại:

http://www.imo.org/en/MediaCentre/HotTopics/Documents/COVID%20CL%204204%20adds/Circular%20Letter%20No.4204Add.30%20Joint%20Statement%20Seafarers.pdf)

 

 


Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam

Vietnam ocean shipping joint stock company

vận tải biển hàng đầu

vận tải biển uy tín, chất lượng

vận tải biển tàu hàng khô

vận tải biển tàu dầu

vận tải biển tàu container