Dù chưa thể thống kê hết các thiệt hại, song đến nay nền kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với rất nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành hàng không, du lịch bị tàn phá… và ngành hàng hải cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh dịch bệnh đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu và chưa biết đến khi nào thế giới mới ngăn chặn và kiểm soát được, các doanh nghiệp vận tải biển không chỉ lao đao vì thị trường vận tải biển suy thoái, mà còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đầy đủ chế độ sinh hoạt và điều kiện làm việc đối với thuyền viên, những người đang vận hành những con tàu thương mại giúp vận chuyển, lưu thông 90% khối lượng hàng hóa toàn cầu.
Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới từ EU đến Asean, Từ Trung Quốc đến Ấn Độ, các quốc gia phát triển như Mỹ, Ca-na-đa đến các nước nghèo ở Bờ đông và Tây Phi… đều đã ra lệnh phong tỏa biên giới từ 14 đến 21 ngày cùng với các quy định cực kỳ nghiêm ngặt về đi lại giữa các nước và trong các quốc gia đó. Các dòng chảy thương mại và hàng hóa dường như đang ngừng lại. Vậy mà các thuyền viên vẫn đang miệt mài vận chuyển những loại hàng hóa thiết yếu đến khắp năm châu, bốn biển. Ngoài đường hàng không với khả năng vận chuyển nhanh nhưng chỉ chuyên chở được một lượng hàng hóa rất nhỏ do mục đính chính của ngành này là chở hành khách, thì vận tải biển và vận tải nội hải đang là cứu cánh phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của gần 8 tỷ người trên trái đất. Ấy vậy mà các quốc gia trong lúc hoang mang để dành giật từ khẩu trang đến máy thở cho quốc gia của mình với khẩu hiệu “phục vụ dân của chúng tôi là trên hết” đã ban bố những chính sách gây bất lợi và thiệt hại rất lớn cho thuyền viên, thậm chí đi ngược lại những cam kết quốc tế mà các quốc gia đó là thành viên phê chuẩn.
Tại nhiều bến cảng, thuyền viên không được phép đi bờ, thậm chí không được xuống cầu cảng. Các chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp cung ứng lương thực thực phẩm, thuốc men đồ dùng thiết yếu cho các tàu. Trước thực trạng đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) đã phải có những động thái kêu gọi các quốc gia có chính sách đặc biệt đối với thuyền viên để đảm bảo các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh mà họ đang áp dụng không làm tổn hại đến điều kiện làm việc và quyền lợi cơ bản, phù hợp, chính đáng mà thuyền viên cần được hưởng.
Bên cạnh đó, thuyền viên, các chủ tàu và chính phủ các nước cũng đang kêu gọi các quốc gia thành viên của ILO đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, nhiên liệu và thuốc men cho các tàu thương mại trong thời gian bùng phát dịch bệnh Covid19.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) kêu gọi đối xử với thuyền viên một cách “tôn trọng và nghiêm túc” trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19
Công ước Lao động Hàng hải MLC 2006 của ILO đã quy định các yêu cầu tối thiểu liên quan đến mọi mặt về điều kiện lao động của thuyền viên, bao gồm các điều kiện về thời gian làm việc và nghỉ ngơi, hồi hương, đi bờ, nơi ăn ở, trang thiết bị giải trí, lương thực thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ an ninh. Công ước đã được 96 quốc gia thành viên ILO, nắm giữ 91% đội tàu thương mại thế giới phê chuẩn.
Trước diễn biến của việc các nước phong tỏa biên giới để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng trầm trọng đến vận tải biển toàn cầu, trực tiếp ảnh hưởng đến ngành dịch vụ đảm nhận việc vận chuyển 90% khối lượng hàng hóa thương mại trên thế giới và điều kiện lao động của gần 2 triệu thuyền viên. Các quan chức từ Ủy ban hàng hải ba bên của ILO, đại diện cho thuyền viên, chủ tàu và các chính phủ cho biết: thuyền viên cần được coi là “lực lượng lao động chủ chốt” của toàn thế giới vào lúc này và được miễn trừ khỏi lệnh cấm đi lại trong các chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Các quan chức thuộc Ủy ban Ba bên Đặc biệt của Công ước Lao động Hàng hải (MLC, 2006) cũng đã ra tuyên bố chung trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên ILO “làm tất cả những gì có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối, cấp phát thuốc men, nhiên liệu, nước ngọt, phụ tùng vật tư và thực phẩm thiết yếu cho tàu biển”. Những lời kêu gọi này được phát đi sau khi có các báo cáo về việc một số khu vực trên thế giới đã cấm các nhà cung cấp cấp phát khẩu trang, vật dụng cá nhân cần thiết và các thiết bị bảo hộ cho thuyền viên.
Tuyên bố trên cho biết, một số cảng biển trên thế giới đã không cho phép các tàu mà trước đó đã đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cập cảng và các tàu này cũng không được cấp phát các nhu yếu phẩm, vật tư cần thiết.
“Những người thủy thủ đang thực hiện dịch vụ vận chuyển có ý nghĩa sống còn đối với toàn thế giới. Vì vậy họ phải được coi trọng như bất kỳ ai trong số chúng ta và phải được đối xử một cách tôn trọng và nghiêm túc để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục đảm nhiệm công việc của mình” - thông cáo cho biết. Ủy ban cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng sự lưu thông, giao nhận, vận chuyển các hàng hóa thiết yếu, nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men cũng như rất nhiều loại hàng hóa khác trên toàn thế giới không bị gián đoạn bởi “các biện pháp cản trở đến an toàn và hiệu quả của các tàu thương mại và những thủy thủ đang vận hành các tàu đó”.
Tổng giám đốc Tổ chức Lao động thế giới (ILO), ông Guy Ryder, kêu gọi các chỉnh phủ “đảm bảo rằng, trong giai đoạn đầy khó khăn thách thức này, thuyền viên được bảo vệ đầy đủ trước bệnh dịch Covid-19, và được hưởng sự chăm sóc y tế, được xuống tàu làm việc và rời tàu khi cần thiết để có thể tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của họ”. Ông Guy Ryder hoan nghênh “những nỗ lực phối hợp được thực hiện bởi các tổ chức xã hội (các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động) và cộng đồng quốc tế để đối phó với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực hàng hải do dịch bệnh Covid-19 gây ra”.
Thế giới và ngành Vận tải biển cùng trên chuyến tàu phòng chống đại dịch Covid-19
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) Kitack Lim vừa ban hành thông cáo về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới ngành vận tải biển và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Kitack Lim nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc duy trì thương mại đường biển và đảm bảo chế độ cho thuyền viên trong chiến dịch dập tắt dịch bệnh Covid-19.
Bản thông cáo có đoạn: “Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã đặt toàn thế giới vào một tình huống chưa từng có tiền lệ. Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch và giảm thiểu những tác động tiêu cực, các quốc gia đã đóng cửa biên giới và việc đi lại cũng bị hạn chế. Các trạm vận chuyển đều bị ảnh hưởng, cảng biển đóng cửa và tàu biển không được phép cập cảng. Trong giai đoạn khó khăn này, khả năng vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bao gồm thuốc men và thực phẩm của các tàu biển và thủy thủ đóng vai trò trung tâm trong việc đối phó, thậm chí là dập tắt dịch bệnh. Vì thế, việc duy trì vận chuyển hàng hóa đường biển là điều cực kỳ quan trọng và không được gián đoạn. Đồng thời, việc đảm bảo an toàn sinh mạng trên biển và bảo vệ môi trường biển cũng phải được quan tâm duy trì đặc biệt.
Một trong số những mục tiêu của IMO, như đã nêu trong Công ước, là đảm bảo dịch vụ vận tải biển luôn trong trạng thái sẵn sàng, vì lợi ích của cộng đồng. “Tôi kêu gọi các quốc gia thành viên IMO lưu ý rằng khi xây dựng và đưa ra những quyết sách để ngăn chặn dịch Covid-19, mục tiêu dập tắt dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, nhưng thương mại toàn cầu - hoạt động một cách an toàn, an ninh và thân thiện với môi trường cũng vẫn phải được tiếp tục diễn ra”.
Chúng ta phải nhớ rằng có hàng trăm nghìn thuyền viên trên các tàu thương mại. Họ, vô tình, lại đang ở tuyến đầu của thảm họa toàn cầu này. Sự chuyên nghiệp của họ đảm bảo cho việc các loại hàng hóa thiết yếu của tất cả chúng ta đều được cung cấp, vận chuyển đến đích an toàn mà chỉ gây ra những tác động tối thiểu tới môi trường sống quý giá của chúng ta. Họ là những người thường xuyên phải xa nhà, xa gia đình, sức khỏe và chế độ đãi ngộ của họ phải được coi trọng như bất kỳ người nào trong số chúng ta. Một lần nữa, tôi kêu gọi các giải pháp hữu hiệu và thực tế trong giai đoạn đặc biệt này, nhằm giải quyết các vấn đề như thay thuyền viên, tái cấp, sửa đổi, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận và bằng cấp cho thuyền viên”.
Cùng với các đối tác của ngành hàng hải và Tổ chức Y tế thế giới, IMO đã xây dựng và ban hành thông báo và hướng dẫn thực tế về các vấn đề khai thác vận hành và kỹ thuật liên quan đến Covid-19. Tài liệu này được đăng tải trên website của IMO và được cập nhật phù hợp với tình hình diễn biến mới của dịch bệnh.
Trên tinh thần đó, ngày 01/4/2020, tại cuộc họp với những người đứng đầu các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký IMO cũng đã đề nghị các cơ quan của Liên Hiệp Quốc ủng hộ IMO trong việc yêu cầu các chính phủ tuyên bố rằng thuyền viên, các nhân viên cảng biển và người lao động trong các lĩnh vực quan trọng khác của ngành hàng hải là “lực lượng lao động chủ chốt”. Đây là cuộc họp bàn về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bao gồm cả tác động đến các lệnh cấm và hạn chế đi lại, lưu thông hàng hóa thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu, việc cung cấp thực phẩm, dược phẩm và thiết bị y tế.
Trong cuộc họp, ông Lim nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ phúc lợi và đãi ngộ đối với các nhân sự trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là thuyền viên và tầm quan trọng của việc thay thuyền viên để góp phần duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc không thể thực hiện thay thuyền viên do các lệnh cấm và hạn chế đi lại đang được các quốc gia tăng cường áp đặt trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Lim nhắc lại thông điệp vận tải biển là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu và lưu thông hàng hóa thương mại trên toàn thế giới. Trong đại dịch Covid-19, thương mại đường biển vẫn đang được duy trì nhưng thách thức ngày càng lớn do những lệnh cấm ban hành từ các chính phủ.
Tổng thư ký IMO cũng cho biết ông sẽ tổ chức các cuộc họp và tham vấn với lãnh đạo các hãng vận tải biển, cảng biển và các ngành liên quan khác để hiểu rõ hơn các vấn đề mà ngành hàng hải đang phải đối mặt và đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả và nhất quán. Trong các phát ngôn của mình, ông nhiều lần nhắc lại rằng tất cả chúng ta đang “đi cùng trên một chuyến tàu” trong hành trình ngăn chặn đại dịch Covid-19 và chưa bao giờ tinh thần của câu nói đó lại đúng với hoàn cảnh hiện nay của thế giới hơn lúc này.
Nguyễn Mai Anh - P. Kế hoạch Tổng hợp
(Tổng hợp, biên dịch từ một số bản tin của ILO và IMO)