Đánh giá mức thiệt hại phải bồi thường do vi phạm hợp đồng thuê tàu (COA)
Đánh giá mức thiệt hại phải bồi thường do vi phạm hợp đồng thuê tàu (COA) Đánh giá mức thiệt hại phải bồi thường do vi phạm hợp đồng thuê tàu (COA)

Đánh giá mức thiệt hại phải bồi thường do vi phạm hợp đồng thuê tàu (COA)

Flame SA v. Glory Wealth Shipping Ltd [2013] EWHC 3153 (Comm)

Có một nguyên tắc cơ bản trong luật pháp Anh là khi đánh giá thiệt hại do vi phạm hợp đồng, các khoản bồi thường  được quyết định là để bù đắp cho bên bị thiệt hại mà không có lỗi (sau đây gọi tắt là bên bị thiệt hại) những thiệt hại phát sinh mà họ phải gánh chịu. Nói một cách khác, bên bị hại sẽ được đặt lại vào tình huống lẽ ra họ đã được hưởng nếu như   hợp đồng được thực hiện.

Tòa Thương Mại hiện đã làm rõ rằng, khi đánh giá thiệt hại do vi phạm hợp đồng, bên bị thiệt hại cần phải chứng minh thiệt hại của họ bằng cách chỉ ra rằng nếu như bên kia thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của họ thì bên bị thiệt hại đã có thể và sẵn sàng thực hiện các cam kết của mình. Một khi bên bị thiệt hại, tại thời điểm bên kia không thực hiện hợp đồng, cũng  không thể thực hiện được cam kết của phía mình - do đó dẫn đến đã không thể thu được những lợi ích phát sịnh từ hợp đồng - thì bên bị thiệt hại đó không có quyền được giải quyết quyền lợi ở mức tốt hơn mức quyền lợi được hưởng nếu như hợp đồng không bị vi phạm.

Sự kiện

Các bên đã thỏa thuận ký kết một hợp đồng thuê tàu (COA), theo đó chủ tàu sẽ chở than rời từ năm 2009 đến 2011. Trong một số chuyến, Bên thuê tàu không đưa ra được thời hạn xếp hàng (laycans) nên  chủ tàu đã chấp nhận việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên thuê tàu, chấm dứt COA, và yêu cầu trọng tài phân xử mức bồi thường thiệt hại

Người thuê tàu cho rằng: chủ tàu chỉ có quyền đòi bồi thường cho những thiệt hại nếu như chủ tàu cung cấp được chứng cứ chứng minh cho việc: nếu như Người thuê tàu đã thông báo thời hạn xếp hàng thì chủ tàu đã có thể đáp ứng được/thực hiện được chuyến hàng đó bằng cách tìm kiếm tàu phù hợp trên thị trường. Bên thuê tàu còn đưa ra bằng chứng minh rằng: do sự tụt dốc đột ngột của thị trường năm 2008, tình trạng tài chính của chủ tàu đã tồi tệ đến mức nếu như bên thuê tàu có công bố laycans thì chủ tàu cũng không thể cung cấp tàu đáp ứng được yêu cầu.

Trọng tài đã bác bỏ quan điểm của bên thuê tàu và quyết định rằng chủ tàu được hưởng một khoản bồi thường thiệt hại hơn 5 triệu USD (sự chênh lệch rất lớn là do sự tụt dốc đột ngột của thị trường giá cước năm 2008 tạo ra sự chênh lệch giữa giá cước của hợp đồng COA và giá cước của thị trường).

Quyết định của Tòa Thương mại

Tòa cho rằng Hội đồng trọng tài đã áp dụng sai luật,. khi ấn định mức bồi thường thiệt hại đối với loại vi phạm trước thời hạn (vi phạm trước thời hạn là cách xử sự của một bên  cho phép kết luận là họ không có ý định thi hành hợp đồng khi đến hạn kỳ và do vậy, bên kia có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại), bên bị thiệt hại cần phải chứng minh thiệt hại bằng cách chỉ ra rằng: nếu như không có vi phạm xảy ra, thì họ đã thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng của mình.

Lý do ẩn đằng sau quyết định đó là: việc ấn định những thiệt hại yêu cầu phải xác định được điều gì đã có thể xảy ra nếu như không có vi phạm. Nếu như Tòa án cho rằng bên bị thiệt hại đã có thể thực hiện được cam kết của mình, Tòa án có thể đặt bên bị thiệt hại vào vị thế tốt hơn vị thế  mà  họ thực tế có được nếu như hợp đồng đã được thực hiện. Và điều này sẽ dẫn đến sự vi phạm nguyên tắc bồi thường trong đó có vấn đề quan trọng là xác định thiệt hại.

Lời bình:

Quyết định của Tòa án trong vụ Flame SA v. Glory Wealth phản ánh cách tiếp cận về bồi thường thiệt hại của Luật pháp Anh, đặc biệt là vấn đề xác định thiệt hại. Trong một số tình huống, nếu một bên đang cân nhắc xem liệu có chấp nhận việc không thực hiện hợp đồng của bên kia và đồng ý chấm dứt hợp đồng hay không thì bên đó sẽ phải xem xét xem: nếu như họ không chấp nhận như vậy thì liệu họ được bao nhiêu, và liệu  có thể thực hiện được các nghĩa vụ mà mình đã cam kết không. (Nếu họ thực hiện được  nhưng do bên kia vi phạm mà họ không có cơ hội thực hiện thì họ mới được bồi thường thiệt hại).

Quyết định này cũng cho thấy lợi ích của việc bí mật thông tin cũng như việc biết được thông tin  về khả năng thực hiện các cam kết của một bên tham gia hợp đồng trước bên kia.

Người dịch: Trần Thị Lan – P. An toàn Hàng hải

 


Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam

Vietnam ocean shipping joint stock company

vận tải biển hàng đầu

vận tải biển uy tín, chất lượng

vận tải biển tàu hàng khô

vận tải biển tàu dầu

vận tải biển tàu container