|
Nếu doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sử dụng các điều kiện FOB, CFR hay CIF, doanh nghiệp vẫn phải chịu rủi ro khi hàng hóa đã giao cho người chuyên chở tại các bãi, trạm container cho đến khi hàng hóa được bốc lên phương tiện vận chuyển. Ảnh: Ban Mai |
(TBKTSG Online) - Các doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã chịu nhiều thiệt thòi không đáng có, do không hiểu và vận dụng đúng các điều kiện thương mại được quy định Incoterm (International Commerce Terms - Các điều khoản thương mại quốc tế) trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Cụ thể, theo ông Tô Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các điều kiện FOB (Free on board: người bán giao hàng đã qua lan can tàu tại cảng bốc hàng quy định), CFR (Giá thành và cước: Cost and Freight) hay CIF (Cost Insurance and Freight: giá thành, bảo hiểm và cước) cho phương thức vận tải không phải là đường biển; lẽ ra những phương thức này chỉ sử dụng trong việc vận tải hàng hóa bằng đường biển.
Nhiều lô hàng nhập khẩu từ nước ngoài về được chuyên chở bằng máy bay, các hợp đồng của doanh nghiệp vẫn ghi là FOB Tân Sơn Nhất hoặc CIF Nội Bài. “Điều này xảy ra là do thói quen của doanh nghiệp, dù việc áp dụng các điều kiện thương mại không theo phương thức vận tải bằng đường biển, đã gây ra nhiều rủi ro và thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Minh cho biết.
Đơn cử, khi hàng hóa chứa trong container được chuyên chở bằng các phương thức vận chuyển không phải là đường biển, địa điểm giao hàng không còn là trên tàu tại cảng bốc hàng mà đã chuyển sang địa điểm của người chuyên chở (hoặc đại lý của người chuyên chở). Và người chuyên chở phải chịu trách nhiệm về hàng hóa. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sử dụng các điều kiện FOB, CFR hay CIF, doanh nghiệp vẫn phải chịu rủi ro khi hàng hóa đã giao cho người chuyên chở tại các bãi, trạm container cho đến khi hàng hóa được bốc lên phương tiện vận chuyển.
Chưa hết, nếu hàng hóa bị mất mát hay hư hỏng xảy ra sau khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở, doanh nghiệp cũng khó xác định được rủi ro này xảy ra trước hay sau khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận chuyển. Trong trường hợp, hàng hóa bị mất trong quá trình vận chuyển từ bãi, trạm container, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn bị quy trách nhiệm là chưa giao hàng và phải giao hàng khác thay thế, hoặc phải bồi thường hay nộp phạt cho việc không giao hàng.
Có những rủi ro khác, được VJCC cảnh báo, doanh nghiệp cần chú ý kỹ đến những điều khoản trong hợp đồng để tránh những rủi ro phát sinh ngoài dự đoán mà nhiều công ty trong nước đã gặp phải. Theo ông Minh, thông thường người bán muốn tìm thuê những con tàu “già” để chuyên chở hàng hóa với giá cước rẻ hơn những con tàu “trẻ”, nhằm tiết kiệm chi phí. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng hóa vận chuyển trên con tàu này sẽ gánh chịu những rủi ro cao.
Khi doanh nghiệp trong nước mua hàng theo điều kiện CFR (Giá thành và cước: Cost and Freight), người mua sẽ gánh chịu mọi rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Nếu phải mua bảo hiểm cho lô hàng, người mua phải chịu chi phí cao do tuổi “già” của tàu. Ngoài ra, tình trạng pháp lý của tàu vận chuyển hàng về Việt Nam cũng cần được doanh nghiệp lưu ý, bởi khi vận chuyển trên những con tàu “có lý lịch xấu” này, hàng hóa vận chuyển có thể dễ bị bắt giữ theo tàu ở các cảng quốc tế.
Nguồn: Thời báo Kinh Tế SaigonOnline https://www.thesaigontimes.vn/84392/Thiet-hai-do-khong-hieu-dung-Incoterm.html
|