Hiệu lực Hợp đồng dưới góc độ pháp lý
Các giao dịch giữa con người và con người diễn ra hàng giây, hàng phút và diễn ra trong nhiều không gian. Phần lớn trong số đó là các giao dịch dân sự. Khi nền hành chính phát triển ở cấp độ cao hơn thì thì những giao dịch vốn thuộc lĩnh vực hành chính sẽ chuyển từng phần thành giao dịch dân sự và dịch vụ công sẽ tăng lên nhanh chóng. Các giao dịch đó một mục đích chung là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự có thể là hợp đồng do hai hay nhiều bên ký kết hoặc cũng có thể là hành vi pháp lý đơn phương do một bên thực hiện (ví dụ hành vi chào hàng, hành vi thông báo bán đấu giá, thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng - một hành vi thường hay bị nhầm lẫn với tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng). Bài viết này chỉ đề cập đến hợp đồng dân sự và theo nghĩa rộng thì nó đã bao gồm các hợp đồng kinh tế, thương mại.
Đương nhiên không phải mọi hợp đồng được ký kết đều có hiệu lực. Nhưng khi một hợp đồng đã đảm bảo các điều kiện để có hiệu lực thì hiệu lực ấy được thể hiện trên ba phương diện:
- Hợp đồng có hiệu lực trong thời gian nào?
- Hợp đồng có hiệu lực trong không gian nào?
- Hợp đồng có hiệu lực với những đối tượng nào?
Sau đây, người viết bài chỉ xin phân tích hiệu lực về đối tượng của hợp đồng.
Trước hết, hợp đồng sẽ có hiệu lực đối với các bên ký kết hợp đồng. Nếu cá nhân ký hợp đồng thì Người ký hợp đồng và Bên ký hợp đồng là một. Nhưng đối với chủ thể là tổ chức, nếu Người ký hợp đồng không đủ tư cách để đại diện cho Bên ký hợp đồng thì về mặt pháp lý, hợp đồng không có hiệu lực đối với Bên ký hợp đồng đó. Loại bỏ được yếu tố này, hợp đồng sẽ có hiệu lực đối với các bên ký kết.
Tuy vậy, ngay cả với bên tham gia ký kết hợp đồng thì hợp đồng cũng chỉ có giá trị thi hành những cam kết đã được thể hiện trong bản hợp đồng cụ thể đó mà không được mở rộng cho chính bên ký kết này trong các văn bản khác thuộc cùng lĩnh vực mà không có căn cứ từ hợp đồng. Nhiều đối tác đã có quá trình hợp tác lâu dài, nhiều hợp đồng cụ thể đã được quyết định ký kết dựa trên một hợp đồng nguyên tắc chung nhưng để đảm bảo tính mạch lạc, đôi khi các bên vẫn nhất trí rằng ”This contract shall not create any effect on the other contracts or legal documents by the two parties or by several parties.” - “Hợp đồng này không ảnh hưởng/ liên quan gì tới các hợp đồng hoặc các văn bản pháp lý khác được ký kết giữa hai bên (tham gia hợp đồng này) hoặc nhiều bên (trong đó có hai bên tham gia hợp đồng này)” Điều khoản này cũng còn được sử dụng trong trường hợp các bên chưa hoàn toàn tin tưởng nhau và họ muốn chắc rằng hợp đồng này sẽ không được đem đi để sử dụng vào những mục đích phi pháp khác.
Đối với những bên không ký kết hợp đồng thì sao? Họ có phải là người hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng hay không còn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên hoặc quy định của pháp luật.
Đôi khi cá nhân ký hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hiệu lực của hợp đồng vẫn được được duy trì nếu trong hợp đồng đã định sẵn một điều khoản như sau: ”This Agreement is binding on the parties to it and their heirs, executors, administrators, successors” - “Thỏa thuận này có giá trị bắt buộc đối với các bên ký kết hợp đồng và những người thừa kế, người thực hiện di chúc, người quản lý di sản, người kế nghiệp cuả họ”. Đây là điều khoản thường thấy trong các hợp đồng liên quan đến bất động sản. Về bản chất điều khoản này là một hình thức biểu hiện của di chúc. Chỉ có điều nó có được những người không ký kết thừa nhận hay không thì còn phụ thuộc vào việc hợp đồng có được công chứng hay không. Trong trường hợp không có công chứng, mà những người thừa kế của họ lại cũng không muốn thừa nhận thì hiệu lực của hợp đồng được phân xử theo luật pháp, như chưa hề có sự thỏa thuận nói trên.
Thông thường bên thực hiện nghĩa vụ có xu hướng cố định hoặc thu hẹp những người mà họ phải đáp ứng quyền. Còn những người có quyền lợi liên quan thường có xu hướng giải thích hợp đồng theo hướng mở rộng hiệu lực về đối tượng. Để tránh trường hợp đối tượng tác động bị mở rộng do ý chí chủ quan của một bên ký kết hay những người có liên quan của họ, các bên có thể thỏa thuận ngay từ đầu là: ”Nothing in this Contract creates any right in favour of any person (including any principal of the Client) who is not a party to this contract.” - “Không một nội dung nào trong bản hợp đồng này tạo ra quyền cho bất cứ người nào không phải là bên ký kết hợp đồng này, kể cả người đã ủy quyền/ủy thác cho khách hàng- là bên ký kết hợp đồng)”. Điều khoản này tạo sự an toàn cho bên phải thực hiện nghĩa vụ trước đòi hỏi của những người có quyền và lợi ích liên quan.
Trong một hợp đồng khác, cũng nội dung này, nhưng được diễn đạt một cách tinh vi hơn và rất khó vận dụng cho khách hàng, như là: ”Rights of third parties: Our engagement by you and for you creates rights and obligations only between you and us and the rights of third parties arising under the provisions of the Contracts (Rights of Third Parties) Act 1999 are specifically excluded from the terms of our engagement with you, except for all rights of any member or partner or other person employed in any capacity by the LLP or by any other entity affiliated to it, none of which shall be excluded. We do not accept any liability or obligation to any person other than you and our duty of care does not extend to your holding company, subsidiaries or affiliated companies or other third parties.” - “Quyền của bên thứ ba: những cam kết của chúng tôi dành cho bạn và cũng được bạn chấp thuận chỉ tạo ra các quyền và nghĩa vụ giữa bạn và chúng tôi; quyền của bên/các bên thứ ba theo quy định của Luật hợp đồng 1999 về quyền của bên/các bên thứ ba được loại trừ trong các điều kiện/ điều khoản của thỏa thuận giữa chúng ta; ngoại trừ tất cả các quyền của bất kỳ thành viên, đối tác góp vốn hay những nhân viên/ lao động được sử dụng ở bất kỳ mức độ nào bởi LLP hoặc bất kỳ chủ thể nào trực thuộc LLP- không một quyền của một đối tượng nào trên đây được loại trừ. Chúng tôi không chấp nhận bất cứ trách nhiệm hay nghĩa vụ nào trước bất kỳ một người nào khác ngoài bạn và nhiệm vụ của chúng tôi không được mở rộng cho các cổ đông/ thành viên góp vốn, công ty con, hay các công ty liên kết hay một bên/ các bên thứ ba khác” Đây thực chất là sự thu hẹp quyền lợi của bên khách hàng và mở rộng quyền lợi của hãng và các bên liên quan của hãng.
Đây còn là một điều khoản loại trừ quyền của bên thứ ba phù hợp với quy định trong luật của Anh. Contracts (Rights of Third Parties) Act 1999 là đạo luật về hợp đồng với nội dung bao gồm 10 quy định về quyền của bên/ các bên thứ ba liên quan nhưng không giao kết hợp đồng, trong đó thừa nhận quyền của chủ thể này trong một số trường hợp cụ thể và việc loại trừ những quyền ấy. Điều này dễ hiểu vì đối với các quan hệ dân sự, thông thường thì luật chỉ được áp dụng nếu các bên không có thỏa thuận khác. Còn nếu đó là một điều khoản cứng thì điều khoản này chỉ được áp dụng nếu hợp đồng hoàn toàn do luật quốc gia điều chỉnh - do có yếu tố chủ quyền. Điều 769 Bộ luật Dân sự Việt nam quy định: ”Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”Còn với quan hệ quốc tế, thì sự thỏa thuận của các bên là yếu tố quan trọng vì họ thậm chí còn được chọn luật để điều chỉnh hợp đồng. Dưới góc độ pháp lý, “Lãnh thổ mềm” của một quốc gia được mở rộng đến vùng đất mà luật quốc gia đó có giá trị điều chỉnh. Tương tự như vậy, về mặt kinh tế, khi hàng hóa, dịch vụ của quốc gia đi đến đâu thì “ lãnh thổ mềm” của quốc gia được mở rộng đến đó.
Trường hợp nói trên khác với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba như hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Người thứ ba đã có tên và danh tính rõ ràng được ghi trong hợp đồng, mặc dù không tham gia ký hợp đồng nhưng họ được bảo hiểm và chỉ hai bên ký kết hợp đồng bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ của mình và thỏa thuận xem người thứ ba hưởng lợi đó có trực tiếp yêu cầu người bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm hay không. Đây là bản chất của hợp đồng mà không phải là sự mở rộng hiệu lực của hợp đồng.
Nhưng nếu việc mở rộng đối tượng lại tạo ra sự thuận lợi cho các bên ký kết thì họ sẽ thỏa thuận theo hướng mở rộng cho cả hai bên “this contract shall be binding upon and inure to the benefit of respective successors, assigns, representatives and heir of the parties here in”- “Hợp đồng này có giá trị bắt buộc và có hiệu lực để bảo về lợi ích của người kế nhiệm, người được chuyển nhượng hợp đồng, người đại diện và những người thừa kế của các bên ký kết hợp đồng”- hợp đồng này có một bên ký kết là cá nhân.
Phần II: Trong phần trước chúng ta đã bàn về việc loại trừ hay mở rộng hiệu lực hợp đồng cho bên thứ ba theo mong muốn chủ quan của các bên. Các hợp đồng do hai bên ký kết nhưng nội dung lại liên quan đến một bên thứ ba rất phổ biến do quy mô của công việc và sự chuyên môn hóa. Trong xây dựng, nhà thầu chính thường phải thuê thêm các nhà thầu phụ. Vì vậy trong hợp đồng phải xác định rõ về hiệu lực của hợp đồng đối với các nhà thầu phụ. Sau đây là một ví dụ về điều khoản “Nhà thầu phụ” trong hợp đồng thi công xây dựng:
“14.1. Khi ký hợp đồng thầu phụ, Nhà thầu phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Đối với các nhà thầu phụ không có trong danh sách thầu phụ kèm theo Hợp đồng thì phải được Chủ đầu tư chấp thuận;
b) Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và sai sót của mình và các công việc do các Nhà thầu phụ thực hiện;
c) Nhà thầu không được giao lại toàn bộ công việc theo Hợp đồng cho Nhà thầu phụ thực hiện.
14.2. Nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định (nếu có)
a) Nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định là một nhà thầu được Chủ đầu tư chỉ định cho Nhà thầu thuê làm Nhà thầu phụ để thực hiện một số phần việc chuyên ngành có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc khi Nhà thầu không đáp ứng được tiến độ thực hiện hợp đồng sau khi Chủ đầu tư đã yêu cầu.
b) Nhà thầu có quyền từ chối nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định nếu công việc Nhà thầu đang thực hiện vẫn tuân thủ đúng các thỏa thuận trong Hợp đồng hoặc có đầy đủ cơ sở cho rằng nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định không đáp ứng được các yêu cầu theo Hợp đồng.
14.3. Chủ đầu tư có thể thanh toán trực tiếp cho Nhà thầu phụ trên cơ sở đề xuất thanh toán của Nhà thầu (hoặc theo thoả thuận khác của các bên)”.
Ở đây có hai hợp đồng: hợp đồng Chủ đầu tư - Nhà thầu và hợp đồng Nhà thầu - Nhà thầu phụ. Trong vấn đề thi công, Hợp đồng thứ nhất không có hiệu lực đối với nhà thầu phụ (mặc dù nhà thầu phụ đó phải có tên trong danh sách kèm theo hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu chính, thậm chí đó phải là nhà thầu phụ được chủ đầu tư chỉ định); Hợp đồng thứ hai thì không có hiệu lực đối với chủ đầu tư. Còn vấn đề thanh toán là sự kết hợp của cả hai hợp đồng nói trên. Như vậy xu hướng mở rộng hay thu hẹp có thể xuất hiện đồng thời trong một hợp đồng, nhưng không phải cho bên này hay bên kia mà cho các vấn đề khác nhau. Các bên sẽ vận dụng linh hoạt cho vấn đề này hay vấn đề kia tùy thuộc vào lợi ích các bên và bối cảnh thực tiễn. Đây là một điều khoản trong hợp đồng xây dựng của Việt nam
Có một cách kết hợp tương tự trong hợp đồng quản lý tàu (Shipman 98)theo mẫu của BIMCO giữa chủ tàu và người quản lý tàu: "The Managers shall not have the right to subcontract any of their obligations hereunder without the prior written consent of the Owners which shall not be unreasonably withheld. In the event of such sub- contract, the Managers shall remain fully liable for the due performence of their obligations under this Agrement." Trong trường hợp được sự đồng ý băng văn bản của chủ tàu để được ký hợp đồng phụ,Người quản lý tàu vẫn phải chịu trách nhiệm đầy đủ trước chủ tàu về việc thực hiện các nghĩa vụ của họ phát sinh từ hợp đồng mà không được viện dẫn trách nhiệm của đối tác thực hiện hợp đồng phụbởi họ không phải là đối tác ký hợp đồng với chủ tàu. Kết hợp với “Hymalaya clause” trách nhiệm của người quản lý tàu trước chủ tàu cũng không được mở rộng sang nhân viên, đại lý của người quản lý tàu. Nhưng với những quyền, miễn trừ trách nhiệm và sự bảo vệ mà người quản lý tàu được hưởng thì những nhân viên hoặc đại lý của người quản lý tàu cũng được hưởng. Với những mục đích như đã được nêu ra tại hợp đồng quản lý tàu, người quản lý tàu là, hoặc được xem như là một đại lý hoặc người được uỷ quyền đại diện cho quyền lợi của tất cả những ai làm việc cho họ (bao gồm cả những người tham gia hợp đồng phụ như đã nói ở trên); đồng thời theo như sự mở rộng này, tất cả những đối tượng trên đều được xem như là các bên tham gia vào hợp đồng.
Khác với cách giải quyết như đã nói trên, trong một hợp đồng khác, ở một vị trí khác thì bên ký hợp đồng lại yêu cầu mở rộng hiệu lực cho nhà thầu phụ để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là điều khoản về “Assignment and subcontracting” trong một Order chào mua do bên mua đưa ra. Bên bán muốn bán hàng cho họ thì phải chấp thuận các điều kiện chào mua được đưa ra trong Order và tạo nên một thỏa thuận song phương- lúc này, quan hệ đã chuyển sang hợp đồng - hợp đồng mua bán. Trong quan hệ này, bên mua yêu cầu : “Seller may not assign (including by change of ownership or control, by operation of law or otherwise) this Order or any interest herein including payment, without Buyer’s prior written consent. Seller shall not subcontract or delegate performance of all or any substantial part of the work called for under this Order without Buyer’s prior written consent. Should Buyer grant consent to Seller’s assignment or subcontract, such assignee or subcontractor shall be bound by the terms and conditions of this Order”. Theo điều khoản trên, trong trường hợp Bên mua đồng ý cho Bên bán chuyển nhượng hợp đồng hoặc ký hợp đồng thầu phụ thì bên được chuyển nhượng hoặc nhà thầu phụ chịu ràng buộc bởi những điều khoản, điều kiện chào mua này.
Cho nên từ khóa thì vẫn là “bảo vệ quyền lợi của bên nào”. Và với từ khóa như vậy thì hợp đồng không có “mẫu”.
Người viết: Trần Thị Lan