Dự báo tác động của thảm họa thiên tai tại Nhật Bản đến thị trường vận tải biển
Dự báo tác động của thảm họa thiên tai tại Nhật Bản đến thị trường vận tải biển Dự báo tác động của thảm họa thiên tai tại Nhật Bản đến thị trường vận tải biển

Dự báo tác động của thảm họa thiên tai tại Nhật Bản đến thị trường vận tải biển

Nhiều người đang cố gắng dự đoán những tác động của trận động đất tại Sendai, sau đó là sóng thần và tình hình tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đến thị trường vận tải biển. Dù còn quá sớm để đưa ra những nhận định nhưng dưới đây là một vài ý kiến. Những tuần vừa qua, thị trường vận tải biển có xu hướng giảm sút khi một số cảng biển, nhà máy thép, nhà máy lọc dầu và nhà máy điện của Nhật Bản bị phá hủy và cần được bảo dưỡng và sửa chữa, tại những nơi có thể. Trong quý II, nhu cầu vận tải sẽ tăng trở lại khi Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thô cho quá trình tái thiết những khu vực bị thiệt hại. Nước này có rất ít nguồn tài nguyên thiên nhiên  nên phải nhập khẩu tới 80% nhu cầu. Nhật Bản là nước nhập khẩu than và khí gas lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 về nhập khẩu dầu thô với 4,4 triệu thùng/ngày. Trong thời gian tới, nước này sẽ cần phải đánh giá lại chính sách năng lượng, cụ thể là năng lượng hạt nhân. Nhiều nước khác đã sẵn sàng thực hiện việc này, từ Mỹ tới Đức, từ Trung Quốc tới Thụy Sỹ. Đức đã ngay lập tức cho tạm dừng để điều tra 7 lò phản ứng hạt nhân được xây dựng trước năm 1980 với tổng công suất 7,4 gigawatts (GW). Những lò phản ứng hạt nhân này chiếm 1/3 tổng công suất nguồn điện hạt nhân của Đức và cung cấp khoảng 9% nhu cầu điện quốc gia. Thụy Sỹ cũng tạm hoãn việc cho phép xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân mới để đánh giá lại mức độ an toàn. Đã 32 năm trôi qua kể từ sự cố tại đảo Three Mile ở Pennsylvania và 25 năm sau thảm họa Chernobyl tại Ukraine, thế giới cũng chỉ miễn cưỡng chấp nhận năng lượng hạt nhân là một phần của nguồn năng lượng trong tương lai. Dù ở Trung Quốc hay Mỹ cũng không có sự đảm bảo  nào đủ sức thuyết phục để người dân chấp nhận cho phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới tại nơi họ sinh sống. Do vậy, khí gas tự nhiên dường như là một giải pháp thay thế hữu hiệu.

Phản ứng trước thảm họa tại Nhật Bản, Trung Quốc cho rằng đó thực sự là một thảm họa thiên nhiên tồi tệ. Đồng thời quả quyết rằng không thể so sánh giữa  phản ứng hạt nhân AP1000 thế hệ thứ 3 đang được xây dựng với 6 lò phản ứng hạt nhân đã 40 năm của Nhật Bản (Nhà máy Fukushima được xây dựng với tiêu chuẩn có thể chịu được động đất 7,0 - 7,9 độ richter và sóng thần cao 5,7 m nhưng đã phải chịu trận động đất có cường độ 9,0 độ richter và sống thần cao 7m tấn công trong tuần trước). Trớ trêu thay, kế hoạch xây dựng lò phản ứng số 7 và 8 tại Fukushima gần đây đã bị hoãn lại do đang chờ đánh giá về tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo báo cáo ngày 24/2/2011 về "Năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản" của Tổ chức nguyên tử quốc tế (WNA). Các  nhà máy sử dụng than đá và khí gas với công suất 6,1 GW đang được xây dựng để bù đắp cho nguồn năng lượng bị thiếu hụt này. Vài ngày sau, Trung Quốc cũng đã thay đổi định hướng và cho tạm dừng việc xây dựng 27 lò phản ứng hạt nhân mới cho đến khi những tiêu chuẩn mới về an toàn được công bố, đồng thời với việc tiến hành kiểm tra lại quá trình vận hành của 11 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Hiện tại, Trung Quốc chỉ sử dụng 2% năng lượng có nguồn gốc từ uranium, nhưng lại có kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng 40 lò phản ứng hạt nhân mới, và sẽ cung cấp khoảng 100 GW, nhiều hơn hơn gấp đôi nguồn cung 47,5 GW từ các lò phản ứng hạt nhân hiện tại của Nhật Bản. Thực tế là, Trung Quốc đã cho dừng chương trình phát triển mà dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% các lò phản ứng hạt nhân mới của thế giới. Điều này ngụ ý rằng kế hoạch giảm lượng khí thải CO2 trong tương lai của Trung Quốc thông qua việc phát triển năng lượng hạt nhân để giảm lượng tiêu thụ than, một nguồn gây ô nhiễm môi trường, sẽ bị từ bỏ. Trong khi đó, 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đáp ứng khoảng 30% nhu cầu điện, và tương đương khoảng 10% nguồn năng lượng cơ bản của nước này. Con số này, theo Tổ chức Hạt nhân quốc tế (WNA), dự kiến sẽ được tăng lên 41% vào năm 2017 và 50% vào năm 2030. WNA cho rằng, với kế hoạch làm sạch bầu khí quyển trái đất, Nhật Bản dự kiến sẽ giảm lượng khí thải CO2 vào môi trường xuống 54% từ năm 2000 - 2050, và giảm tới 90% vào năm 2100. Theo kế hoạch này, năng lượng hạt nhân sẽ đóng góp 60% nguồn năng lượng vào năm 2100 (hiện tại là 10%), 10% từ nguồn năng lượng mới (hiện tại là 5%) và 30% từ nguồn năng lượng hóa thạch (hiện tại là 85%). Ngoài việc giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường, kế hoạch này còn giúp Nhật Bản tự cung cấp được 70% nhu cầu năng lượng của mình vào năm 2030. Năng lượng nguyên tử là nhân tố chủ đạo trong chiến lược phát triển năng lượng của Nhật Bản. Bây giờ, kế hoạch lớn này có nguy cơ bị hủy bỏ hoặc cắt giảm.

Trở lại với những tác động trực tiếp hơn tới thị trường vận tải biển. Theo báo cáo của Hãng xăng dầu Argus thì có tới 1,7 triệu thùng dầu trong tổng sản lượng 4,3 triệu thùng/ngày của các Nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản đã bị cắt giảm, dẫn tới việc sụt giảm ngay lập tức khoảng 1 triệu thùng dầu thô nhập khẩu mỗi ngày. Những lô dầu thô dư thừa đã được ký hợp đồng vận chuyển bằng tàu cỡ VLCC được chuyển đến Trung Quốc và Hàn Quốc thay vì đến Nhật Bản và hai quốc gia này đang cung cấp dầu sản phẩm cho Nhật Bản; Chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện việc cung cấp dầu từ kho dự trữ để đáp ứng nhu cầu . Việc các hợp động vận tải bị hủy bỏ và phải cho thuê lại các tàu cỡ VLCC làm cho  giá cước của khu vực vùng Vịnh sụt giảm. Reuters đã điều chỉnh dự báo việc đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế trong ngắn hạn. Cơ quan này tổng kết có tới 11 lò phản ứng hạt nhân với sản lượng 9,7 GW, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng, đã bị đóng cửa; và 10,8 GW tổng sản lượng nhiệt điện hiện tại bị cắt giảm. Ngoài ra, còn có 2,7 GW năng lượng hạt nhân bị đóng cửa do phải kiểm tra lại mức độ an toàn sau động đất. SocGen dự báo rằng việc suy giảm nguồn năng lượng hạt nhân sẽ được thay thế 47% bởi khí gas, 39% bởi than đá và 15% bởi dầu thô. Nhu cầu khí gas của Nhật Bản sẽ tăng khoảng 6% trong năm 2011 và lượng than hoa nhập khẩu sẽ tăng 7 - 8 triệu tấn vào cuối năm 2011, và sẽ tăng khoảng 3 triệu tấn mỗi năm từ năm 2012 trên sản lượng nhập khẩu hàng năm là 125 triệu tấn. Merrill Lynch dự báo rằng lượng khí gas hóa lỏng nhập khẩu sẽ tăng 10% tương đương 7 triệu tấn một năm trên cơ sở lượng nhập khẩu năm 2010 là 70 triệu tấn và JP Morgan dự đoán nhu cầu nhập khẩu dầu thô sẽ tăng 150 nghìn thùng/ngày khi tình hình ổn định trở lại. Vì vậy, nói một cách ngắn gọn, trước mắt chúng ta sẽ phải đối mặt với sự sút giảm ngay lập tức của nhu cầu và mức cước do sự gián đoạn của hoạt động logistics, sau đó thị trường sẽ tăng trở lại do nhu cầu tăng kéo theo mức cước sẽ cao hơn. Rất nhiều người cũng cho là như vậy. Vấn đề thực tế là tiềm năng của nguồn năng lượng hạt nhân một lần nữa bị gạt ra khỏi sự quan tâm, theo đó là sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu khí gas, than đá và dầu mỏ bằng đường biển. Sau thảm kịch khủng khiếp này, liệu đã đến giai đoạn thăng hoa cho thị trường vận tải biển?

                                                          Vũ Trường Thọ - Phòng Kế hoạch Đầu tư          

                                                            (Nguồn : HSBC Report ngày 18/3/2011)

Từ khóa:
Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam Vosco vận tải biển Việt Nam Vận tải Hải Phòng


Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam

Vietnam ocean shipping joint stock company

vận tải biển hàng đầu

vận tải biển uy tín, chất lượng

vận tải biển tàu hàng khô

vận tải biển tàu dầu

vận tải biển tàu container