Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị trù bị thứ 26 của SERC - ASF
Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị trù bị thứ 26 của SERC - ASF Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị trù bị thứ 26 của SERC - ASF

Ngày 08 tháng 10 năm 2013 tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị trù bị lần thứ 26 của Ủy ban Kinh tế vận tải biển (SERC) thuộc Diễn đàn chủ tàu Châu Á (ASF), đoàn của Tiểu ban Kinh tế vận tải biển thuộc Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA)  đã tham dự hội nghị.  Sau đây là Biên bản ghi nhớ nội dung của hội nghị:

-----------------------

BIÊN BẢN GHI NHỚ

đã được thông qua tại Hội nghị trù bị lần thứ 26 của

 Diễn đàn chủ tàu châu Á (ASF)

 Ủy ban Kinh tế vận tải biển (SERC)

---------------------

Hội nghị có sự tham gia của các đoàn đại biểu là thành viên thuộc Diễn đàn chủ tàu Châu Á gồm hiệp hội chủ tàu Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các đại biểu SERC đã cam kết tuyệt đối tuân thủ các luật cạnh tranh áp dụng xuyên suốt chương trình nghị sự dưới sự giám sát kỹ lưỡng của các luật sư, như trong các hội nghị trước đây. Dưới đây là một số thông tin và quan điểm của các đại biểu.

1. Kinh tế thế giới:

Kinh tế Mỹ đang trong tiến trình hồi phục dần dần do sự tiếp tục nới lỏng định lượng và cái gọi là cuộc cách mạng shale gas trong sử dụng năng lượng của Mỹ (sử dụng shale gas thay vì nhập dầu từ nơi khác như vùng Vịnh). Tuy nhiên, có một vấn đề là điều gì sẽ xảy ra sau khi sự nới lỏng định lượng này bị thu hẹp. Ngoài việc tác động trực tiếp tới nền kinh tế Mỹ, việc thu hẹp các gói nới lỏng định lượng sẽ kích hoạt rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi và dẫn đến các nền kinh tế này sẽ phát triển chậm lại và sẽ tác động tiêu cực trở lại kinh tế Mỹ.

Ở Châu Âu, ngoài hai nền kinh tế Anh và Đức đang phát triển bền vững, kinh tế của một số nước ở Nam Âu được nhận định đang ở giai đoạn thoát đáy. Tuy nhiên, cũng cần thời gian để nhu cầu của người tiêu dùng ở Châu Âu khôi phục lại như ban đầu.

Nhìn lại khu vực Châu Á, kinh tế của một số nước ở Châu Á vẫn duy trì bền vững so với kinh tế Mỹ và Châu Âu. Mặc dù, Trung Quốc không đạt được mức tăng trưởng hai con số như những năm trước, nhưng nước này vẫn duy trì phát triển ở mức độ cao từ 7-8%. Mức tăng trưởng của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á cũng đang ở mức 5-6 %.

Nhìn tổng thể, trong khi nền kinh tế thế giới đang đối mặt với một số nhân tố bất ổn thì vẫn có xu hướng dần hồi phục ổn định. Tình trạng này có thể được miêu tả như trong quá trình liên tục thử nghiệm để tìm lại sự tăng trưởng ổn định.

2. Vận tải tàu hàng khô và tàu dầu:

2.1. Tàu hàng khô

Hội nghị nhận thấy thị trường vận tải tàu hàng khô, đặc biệt là thị trường tàu cỡ Cape - size, gần đây đã có một số dấu hiệu hồi phục, chủ yếu là do tăng sản lượng sản xuất thép tại Trung Quốc và một số tiến triển trong việc cân bằng cung - cầu về tàu do giảm số lượng các tàu đóng mới được bàn giao và tăng số lượng tàu cũ phá dỡ. Người ta hy vọng rằng nhu cầu đối với tàu hàng khô sẽ tiếp tục tăng lên do nhu cầu đô thị hóa tại một số nước mới nổi vẫn giữ ở mức ổn định, điển hình như dự án mới của Ấn Độ về nâng cấp cơ sở hạ tầng trị giá 1,83 nghìn tỷ rupee vừa được thông qua vào tháng 8 vừa qua. Trong lúc này, các đại biểu bày tỏ sự kỳ vọng trong việc cải thiện hơn nữa cán cân cung- cầu về tàu vì đây là kết quả từ các quyết định của từng công ty vận tải để phá dỡ tàu trong ngắn hạn.

Mặt khác, hội nghị cũng nhận thấy nhu cầu đóng mới có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, số lượng các đơn đặt đóng mới tàu tăng vọt do các nhà máy đóng tàu đưa ra một mức giá hấp dẫn hơn.

2.2. Tàu dầu

Nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục tăng nhẹ đến năm 2017 và nhu cầu dầu mỏ ở các nước mới nổi đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng mạnh. Mặt khác, hội nghị ghi nhận mặc dù vẫn có một số tàu đóng mới dự kiến được bàn giao trong năm 2014 nhưng con số này sẽ giảm từ năm 2015. Trong bối cảnh này, các đại biểu chia sẻ quan điểm rằng thị trường tàu chở dầu thô dự kiến chạm đáy trong năm 2013 và một số dấu hiệu phục hồi sẽ bắt đầu rõ nét vào năm 2014. Tuy nhiên, hội nghị chia sẻ một số quan tâm, đặc biệt những bất ổn đối với nhu cầu dầu thô trong tương lai và các đơn đặt đóng thêm tàu không mong muốn trong một vài năm tới.

Liên quan đến mảng tàu vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng, dự kiến sự dư thừa nguồn cung sẽ nới rộng từ năm 2014 đến năm 2016 do các đơn đặt đóng tàu có tính chất đầu cơ được thực hiện trong  năm 2012. Sau đó nhu cầu về tàu sẽ tăng từ năm 2016 hoặc 2017 nhưng sự cân bằng cung - cầu vẫn không chắc chắn vì còn phụ thuộc vào lượng tàu mới có thể tham gia thị trường.

3. Tàu chuyên tuyến:

Hội nghị ghi nhận rằng trong khi các điều kiện kinh tế của Mỹ đang được cải thiện thì tốc độ hồi phục kinh tế vẫn duy trì ở mức chậm và nhu cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục trầm lắng. Mặt khác, hội nghị nhất trí rằng Trung Quốc được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, mặc dù chỉ số tăng trưởng của nước này đã bị suy yếu từ đỉnh cao vài năm đây.  Các nước Đông Nam Á cũng được hy vọng trở thành một động cơ nữa thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thế giới vì sẽ là công xưởng thế giới tiếp theo.

Đối với các tuyến vận tải từ Mỹ qua Thái Bình Dương, hội nghị ghi nhận rằng mặc dù nhu cầu đang tăng dần nhưng không đủ bù đắp sự mất cân bằng cung - cầu liên tục do sự gia tăng số lượng các tàu cỡ lớn tham gia vào tuyến này. Liên quan đến vấn đề này, báo cáo cho thấy trọng tải bình quân tàu container đã tăng từ 32% trong 5 năm từ là mức 2.600 teu trong năm 2008  lên 3.430 teu trong năm 2013 và lượng cung tàu tăng 6% trong năm 2013; đồng thời có thể đạt đỉnh vào năm 2014 là 7.1%. Thêm vào đó, các đại biểu chia sẻ sự quan tâm về sự gia tăng liên tục các chi phí như chi phí vận chuyển nội địa và chi phí cầu bến ở Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các đại biểu tái khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực rộng khắp của các công ty vận tải với việc tôn trọng luật cạnh tranh như: các dịch vụ có hiệu quả hơn, giảm chi phí khai thác tàu/ chi phí nhiên liệu và đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp để đảm bảo môi trường kinh doanh bền vững.

Đối với các tuyến nội Á, hội nghị ghi nhận rằng thị trường tiếp tục phát triển vững chắc do sự phát triển liên tục của các nền kinh tế trụ cột của Châu Á. Tuy nhiên, mức cước chung trên thị trường vẫn đang chịu áp lực từ lượng lớn các tàu tham gia thị trường và việc tìm hàng cho các tàu đang nằm chờ từ các chủ tàu ngoài khu vực Nội Á. Trong trường hợp này, các đại biểu bàn luận về tầm quan trọng của các công ty vận tải trong việc áp dụng các biện pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn này như các biện pháp có thể cắt giảm chi phí trên các tuyến xa, bao gồm ở những nơi cho phép về mặt pháp lý, chia sẻ không gian và tài sản trên tàu, cho tàu chạy chậm lại…

4. Về miễn trừ việc áp dụng luật chống độc quyền

Những chuyển biến gần đây trong việc áp dụng một số các đạo luật đã được ghi nhận. Hội nghị đã tái khẳng định chính sách lâu dài của ASF rằng hệ thống miễn trừ luật chống độc quyền được áp dụng đối với tất cả các loại hợp tác vận tải tàu chuyên tuyến là cực kỳ cần thiết cho ngành vận tải biển và cho toàn bộ các hoạt động thương mại.

5. Các vấn đề khác:

5.1. Kênh Panama

Các đại biểu chia sẻ sự quan ngại về khả năng đơn phương tăng phí qua kênh Panama thông qua việc áp dụng cơ chế thu phí mới vào giữa năm 2015. Vì vậy, các đại biểu nhất trí rằng ASF sẽ kết hợp với các tổ chức hàng hải quốc tế như ICS, các hiệp hội thành viên của ASF cũng như thông qua Chính phủ các nước này thuyết phục Chính quyền kênh Panama lắng nghe tiếng nói của khách hàng và thiết lập một cơ chế thu phí mới phù hợp hơn với người sử dụng.

5.2. Về thuế VAT của Trung Quốc:

Các đại biểu cũng cực kỳ lo ngại rằng chuỗi cung ứng quốc tế đang bị gia tăng gánh nặng bởi cách áp thuế VAT mới của Trung Quốc. Hội nghị cũng thống nhất sẽ tiếp tục thúc giục Chính phủ Trung Quốc cải thiện chế độ thuế hiện hành và điều chỉnh việc áp thuế VAT đối với cước vận tải biển quốc tế phù hợp theo thông lệ quốc tế.

5.3. Luật thuế vận tải phổ thông của Philippine (CCT)

Hội nghị ghi nhận các nỗ lực của một số công ty vận tải biển trong việc yêu cầu hủy bỏ luật thuế vận tải phổ thông của Philippine đang áp mức 3% lên doanh thu vận tải hàng hóa tính trên các dịch vụ xuất khẩu từ Philippine chỉ đối với các chủ tàu nước ngoài. Hội nghị thống nhất rằng các đại biểu SERC sẽ yêu cầu các hiệp hội chủ tàu liên quan thuyết phục chính phủ của họ vận động Chính phủ Philippine hướng tới việc xóa bỏ thuế CCT.

--------------------------------------------------------------------------------------------

Uỷ ban nghiên cứu Kinh tế vận tải biển (SERC) là một diễn đàn dành cho lãnh đạo cấp cao của các công ty vận tải biển châu Á, là nơi thảo luận, xem xét các thông tin kinh tế vĩ mô và những liên quan đến tàu biển và thương mại. Mục tiêu của SERClà giúp nâng cao chất lượng cho các quyết định điều hành bằng cách xem xét các thông tin vĩ mô và chia sẻ các triển vọng về các vấn đề thương mại và hàng hải.

Từ khóa:
Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam Vosco vận tải biển Việt Nam Vận tải Hải Phòng


Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam

Vietnam ocean shipping joint stock company

vận tải biển hàng đầu

vận tải biển uy tín, chất lượng

vận tải biển tàu hàng khô

vận tải biển tàu dầu

vận tải biển tàu container