Hưởng ứng các phong trào thi đua "Lao động và quản lý giỏi", "Đổi mới - Sáng tạo", phong trào Sáng kiến – tiết kiệm làm lợi năm 2022. Cụ thể hóa chỉ tiêu theo nội dung Kế hoạch số 197/KH-CĐHHVN ngày 17/3/2022 của Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam về việc triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Hướng các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, giải pháp tiết kiệm làm lợi của CB-CNV, SQTV vào việc đưa ra các giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; các sáng kiến tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và cải thiện điều kiện làm việc của thuyền viên. Phòng Kỹ thuật đã đưa ra biện pháp cải tiến kỹ thuật mới cụ thể như sau:
Với điều kiện làm việc trong môi trường trên biển, tiếp xúc hàng ngày với hơi nước biển, thậm chí cả nước biển bắn lên trực tiếp khi sóng lớn nên dây cáp cần cẩu rất dễ bị ăn mòn nhanh chóng, ngoài ra khi làm việc cẩu hàng hóa như clinker, than, cát... cũng sẽ bám vào dây cáp gây hư hại cho dây cáp cần cẩu, với chi phí rất đắt từ 160 đến 200 triệu một cuộn dây cáp (một cẩu là 2 cuộn ) nên nếu khi dây cáp không được bảo quản bảo dưỡng đúng cách và đúng thời hạn thì việc phải thay dây cáp sự cố do rỉ hỏng thường xuyên xảy ra dẫn đến chi phí khai thác tàu tăng cao. Do đó công việc bôi mỡ bảo quản định kỳ cho dây cáp cho cần cẩu của tàu là công việc bảo dưỡng thường xuyên bắt buộc mà thuyền viên phải thực hiện hàng tháng trong các đội tàu viễn dương, để đảm bảo dây cáp cần cẩu không bị rỉ và ăn mòn nhanh chóng bởi nước biển. Công việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao khi thuyền viên vẫn phải thực hiện công việc bôi mỡ cho dây cáp cần cẩu theo phương pháp thủ công là trèo lên cao , đu mình trên những sợi cáp ở độ cao 8-10m và dùng tay bôi mỡ vào từng đoạn dây cáp. Và công việc này chỉ được thực hiện vào lúc tàu không làm hàng, đó là khi tàu hành trình trên biển . Khi thực hiện công việc này trên biển càng tăng nguy cơ rủi ro trượt ngã khi con tàu đang lắc lư bởi sóng gió biển. Thêm vào đó dây cáp khi được bôi mỡ bằng phương pháp thủ công sẽ không đảm bảo phủ kín toàn bộ dây cáp, ngoài ra sẽ có rất nhiều mỡ bị rơi ra khỏi dây cáp khi sử dụng phương pháp thủ công này vừa lãng phí vừa gây bẩn tàu và ô nhiễm môi trường.
Thuyền viên bôi mỡ dây cáp cẩu theo phương pháp thủ công
Thuyền viên bôi mỡ dây cáp cẩu theo phương pháp thủ công
Được sự chỉ đạo của Ban điều hành công ty để tìm ra các giải pháp khắc phục các vấn đề trên, Phòng Kỹ thuật VOSCO đã tìm hiểu và thấy rằng có thiết bị bôi mỡ chuyên dụng cho dây cáp cần cẩu có thể áp dụng cho đội tàu VOSCO nên đã báo cáo với BĐH để mua thử nghiệm cho một tàu Vosco Sky của công ty. Sau khi thử nghiệm trên tàu Vosco Sky kết quả cho thấy việc bôi mỡ bằng thiết bị chuyên dụng này rất hiệu quả, rút ngắn được thời gian bảo quản, mỡ được bôi đều lên dây cáp mà không bị rơi ra ngoài lãng phí như trước và điều đặc biệt là thuyền viên không còn phải trèo lên cao đu mình trên dây cáp, giảm thiểu được nguy cơ tai nạn cho thuyền viên khi thực hiện công việc này.
Sau khi nhận được phản hồi rất tốt từ sỹ quan thuyền viên tàu Vosco Sky, Phòng Kỹ thuật đã đặt mua thiết bị này để trang bị cho toàn đội tàu của công ty, góp phần bảo vệ sức khỏe thuyền viên, nâng cao năng suất và hiệu suất hoạt động của đội tàu, giảm thiểu sự lãng phí, bảo vệ môi trường biển.
Dây cáp được bôi đều mỡ bằng thiết bị chuyên dụng
Thuyền viên tàu Vosco Sky lắp đặt thiết bị bôi mỡ dây cáp cần cẩu
Thiết bị bôi mỡ cáp cẩu đang làm việc trên tàu Vosco Sky