Xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngành hàng hải nói chung và vận tải biển nói riêng luôn để lại dấu ấn đậm nét và đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế, giao thương cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Từ truyền thống "khéo đóng thuyền, thạo nghề đi biển" của người Việt cổ, đến ba lần chiến thắng quân xâm lược Nam Hán, quân Tống và Nguyên Mông trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử vào các năm 938, 981 và 1281 của Đức vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Từ những tuyến đường giao thương trên biển và sự hình thành thương cảng Vân Đồn trong thế kỷ 12 đến thương cảng Hội An sầm uất trong thế kỷ 17 – 18, đến các đội thương thuyền của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đầu thế kỷ 20 và đặc biệt là sự ra đời của Cục Vận tải đường biển năm 1965, đều khẳng định vai trò quan trọng của ngành hàng hải trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ lịch sử cũng như ước mơ "vươn ra biển lớn" của dân tộc ta. Và, công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam, tiền thân là Công ty Vận tải biển Việt Nam, lá cờ đầu của ngành vận tải biển nước nhà, chính là hình ảnh tiêu biểu của ngành hàng hải Việt Nam trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.
Qua 50 năm hình thành và phát triển, những con tàu mang lá cờ đỏ sao vàng và thương hiệu Vosco tự hào đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng nước nhà, đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, khẳng định tinh thần,trí tuệ của nhân dân ta, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, mỗi con tàu ra khơi cũng chính là một lời khẳng định dõng dạc về chủ quyền và quyền tự do hành hải của chúng ta đối với các vùng biển, đảo thuộc quyền chủ quyền của đất nước.
Ngày 01/7/1970, Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) được thành lập trên cơ sở thống nhất tổ chức vận tải của 3 đội tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng, mở đầu cho sự chuyển hướng từ phương thức hoạt động vận tải biển trong chiến tranh sang phương thức tổ chức quản lý hoạt động vận tải trong điều kiện nửa chiến tranh, nửa hoà bình. Việc thành lập công ty mang ý nghĩa quan trọng trong việc đặt nền móng xây dựng và phát triển một mô hình mới về quản lý kinh tế vận tải biển, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật và nghiệp vụ cho ngành Hàng hải Việt Nam.
Chặng đường năm mươi năm qua có nhiều khó khăn, thử thách nhưng với vị trí là lá cờ đầu của ngành vận tải biển nước nhà, Vosco luôn hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử. Các thế hệ cán bộ nhân viên, sỹ quan thuyền viên Vosco có quyền tự hào rằng trong giai đoạn lịch sử nào Công ty cũng đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
1. Giai đoạn 1970 – 1975: Những năm tháng hào hùng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước
Những ngày đầu thành lập, tuy đầu phương tiện Công ty có tới 217 chiếc nhưng tổng trọng tải chỉ có 34.245 tấn; trong đó có 1 tàu lớn nhất 3.500 tấn và 1 số sà lan, tàu kéo.
Giai đoạn 1970-1975, tên tuổi của Vosco gắn liền với thời kỳ ngành đường biển dốc toàn lực thực hiện cả hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu. Trong giai đoạn này, những con tàu của Vosco là lực lượng xung kích, tham gia nhiều chiến dịch vận tải lớn từ Hải Phòng vào khu Bốn, từ đó vận chuyển hàng hóa vào miền Nam phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dưới làn mưa bom bão đạn, đội tàu Vosco kiên cường, dũng cảm mở tuyến vận tải Đông – Bắc, tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa, duy trì mạch máu giao thông trên biển, sát cánh cùng các lực lượng vận tải khác góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Tình yêu đất nước đã được người chiến sỹ giao thông vận tải của Vosco chuyển hóa thành tinh thần, ý chí, nghị lực quật cường, là những viên gạch đầu tiên xây đắp lên truyền thống đoàn kết, dũng cảm, thông minh, sáng tạo của lớp lớp thế hệ cán bộ nhân viên, sỹ quan thuyền viên sau này. Những năm tháng đó đã trở thành những trang sử hào hùng, một trong những khúc tráng ca đẹp nhất của truyền thống giao thông vận tải Việt Nam.
Tuy bị kẻ thù giăng lưới, bủa vây nhưng Công ty vẫn hình thành được tuyến vận tải quốc tế. Ngày 9/11/1973, tàu Hồng Hà trọng tải 4.300 dwt thực hiện chuyến đi lịch sử, vận chuyển 4.000 tấn than từ Việt Nam đi Nhật Bản, mở đường biển xa thắng lợi, đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành vận tải viễn dương Việt Nam (ảnh tàu Hồng Hà)
Ngày 13/5/1975, tàu Sông Hương, dưới sự điều khiển của thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm, người con của Sài Gòn, đã cập bến cảng Nhà Rồng, nơi năm 1911 Bác Hồ xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước để nối hai miền Nam – Bắc về chung một nhà.
Trong những năm tháng hào hùng này, không ít tập thể tàu và các cá nhân đã đóng góp sức lực, xương máu và cả sinh mạng để duy trì con đường huyết mạch trên biển, phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ghi nhận những thành tích đó bằng việc phong tặng Danh hiệu Anh hùng cho hai tập thể tàu TL06 năm 1972 và TK154 năm 1973.
2. Giai đoạn 1976 – 1985: Phục vụ công cuộc khôi phục phát triển kinh tế cả nước thống nhất
Tháng 3 năm 1975, Bộ Giao thông vận tải quyết định tách một bộ phận lớn phương tiện và lao động của Công ty để thành lập Công ty Vận tải ven biển với nhiệm vụ chủ yếu là: “Tổ chức vận tải trên các tuyến trong nước”. Cũng từ đấy, Công ty vận tải biển Việt Nam (Vosco) chỉ còn tập trung làm một nhiệm vụ là: “Tổ chức vận tải nước ngoài, phục vụ xuất nhập khẩu và nhanh chóng xây dựng đội tàu vận tải biển xa”. Sau khi tách lập, Công ty có 10 tàu với gần 50 ngàn DWT - hầu hết là tàu cũ từ 10 đến 15 tuổi, số lao động là 520 người, trong đó có 4 cán bộ giám tiếp.
Từ số phương tiện ít ỏi và hai tuyến vận tải nước ngoài ban đầu là Hongkong và Nhật Bản, ngay từ năm 1976, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng xuất nhập khẩu của đất nước, Công ty đã mạnh dạn mở thêm các tuyến mới đi Đông Nam Á, Ấn Độ, Châu Úc, Đông Phi và Châu Âu, đưa tàu vào hoạt động thường xuyên trên các tuyến này, vừa vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, hàng viện trợ, vừa tìm hàng chở thuê cho nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tăng hiệu quả kinh doanh cho Công ty. Đây cũng là thời kỳ Công ty tập trung phát triển đội tàu vận tải biển xa theo hướng chính qui hiện đại bằng các hình thức thuê mua, vay mua. Công ty đã liên tục tiếp nhận các tàu Thái Bình, Hậu Giang, Sông Đáy… có trọng tải lớn hơn, hiện đại hơn.
Lật lại những trang sử vẻ vang sau nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, có rất nhiều dấu mốc đáng tự hào với một số sự kiện nổi bật như:
+ Hai tàu dầu Cửu Long 01, Cửu Long 02 là hai tàu lớn nhất đầu tiên của Việt Nam mở luồng đến các nước Đông Phi và Nam châu Âu tháng 10/1975
+ Tàu Sông Chu - tàu biển “Đầu tiên” của ngành Hàng hải mở luồng đi châu Úc và Ấn Độ mở rộng thị trường vận tải ngoại thương năm 1977
+ Hai tàu Tô Lịch và Thái Bình là hai tàu biển Việt Nam “Đầu tiên” mở luồng đi các nước Tây Phi và châu Mỹ năm 1982, đánh dấu đội tàu VOSCO đến năm châu, bốn biển. Tàu Thái Bình đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là con tàu Việt Nam đầu tiên hành trình vòng quanh Thế giới.
+ Tàu Hậu Giang, tàu “Đầu tiên” của ngành Hàng hải Việt Nam hoạt động các tuyến Đông, Bắc Âu và các nước Địa Trung Hải năm 1983.
Chỉ trong vài năm, từ hai tuyến nước ngoài ban đầu, Công ty đã mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp các đại dương. Tính đến năm 1985, các tàu của Công ty đã đến trên 60 nước trên thế giới và qua hơn 160 cảng khác nhau.
3. Giai đoạn 1986 - 2000: Xây dựng, phát triển trong thời kì đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trong 15 năm (1986 - 2000), Công ty vận tải biển Việt Nam luôn phải đối mặt với những biến động lớn, đất nước vừa tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải đổi mới, cải cách nền kinh tế vốn lạc hậu, yếu kém quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường. Công ty đề ra mục tiêu, các biện pháp để củng cố, phát triển trẻ hóa đội tàu, lấy hoạt động của đội tàu làm trọng tâm, từng bước đáp ứng yêu cầu vận chuyển phục vụ nền kinh tế quốc dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời tích lũy phát triển đội tàu.
Trong giai đoạn này, Công ty đã đầu tư và nhận bàn giao hàng loạt tàu hàng rời trên 20.000 tấn như Morning Star, Polar Star, Golden Star…Đồng thời, tham gia vào thị trường vận chuyển dầu sản phẩm, với việc đầu tư các tàu Đại Hùng và Đại Long, trọng tải 30.000 tấn vào năm 1999 và 2000. Tàu dầu sản phẩm Đại Long là tàu treo cờ Việt Nam đầu tiên đến một cảng của Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2000 sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ.
Là cánh chim đầu đàn của ngành vận tải biển Việt Nam, Vosco đã nghiên cứu, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào xây dựng và khai thác đội tàu để có đủ điều kiện hòa nhập vào thị trường vận tải khu vực và thế giới cùng với các nước ASEAN, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), tuân thủ Bộ luật Quản lí an toàn Hàng hải quốc tế (ISM code) và là Công ty vận tải biển đầu tiên áp dụng Bộ luật Quản lý An toàn Quốc tế ISM CODE (1998), Bộ luật An ninh Tàu và Bến cảng ISPS CODE (2004), Hệ thống Quản lý Chất lượng ISO 9001-2000 (2002)
Một dấu ấn quan trọng khác, đã được ngành đóng tàu Việt Nam ghi nhận trong thời kỳ này, là việc Công ty tiên phong hợp tác và đặt đóng mới 03 tàu hàng khô trọng tải 6.500 tấn tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Các tàu Vĩnh Thuận, Vĩnh An, Vĩnh Hưng lần lượt được bàn giao vào các năm 2000, 2001 và 2002, góp phần đặt nền móng cho ngành công nghiệp đóng tàu phát triển và tạo một cú hích mang tính đột phá về công nghệ và kỹ thuật đóng tàu Việt Nam.
4. Giai đoạn 2001 – 2010: Vosco trong thời kì hội nhập kinh tế của đất nước
Kinh doanh vận tải biển là một ngành có tính quốc tế cao và là ngành sớm tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy, Công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển đội tàu theo hướng trẻ hóa, hiện đại hóa, chuyên môn hóa để tăng sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả kinh doanh.
Trong giai đoạn này, Vosco đã bổ xung thêm vào đội tàu của mình những con tàu có trọng tải lớn, thế hệ mới, chuyên dụng như các tàu dầu sản phẩm Đại Việt trọng tải 37.000 tấn, Đại Nam, Đại Minh… trọng tải 47.000 tấn; các tàu hàng khô cỡ handymax như Vosco Star, cỡ supramax như Vosco Sky, Vosco Unity và 02 tàu container Fortune Freighter và Fortune Navigator sức chở 560 teus. Việc đưa 2 tàu container Fortune Freighter và Fortune Navigator vào khai thác tuyến container Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng ngày 02/12/2008 đã mở đầu cho thời kỳ Công ty tham gia vào thị trường vận chuyển hàng hóa chuyên tuyến nội địa.
Vosco cũng là Công ty vận tải biển đầu tiên và duy nhất thành lập “Trung tâm huấn luyện thuyền viên” vào năm 2006 với hệ thống mô phỏng buồng máy và buồng lái hiện đại để đào tạo, huấn luyện sỹ quan thuyền viên nâng cao trình độ quản lý và khai thác đội tàu Công ty và cung ứng cho các chủ tàu thế giới.
Từ ngày 01/01/2008, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, Công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần nhằm tiếp tục phát huy những thế mạnh hiện có, tham gia sâu hơn vào thị trường vận tải khu vực và thế giới. Công ty cổ phần có vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, thời gian đầu Nhà nước mà đại diện là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giữ 60% vốn điều lệ (hiện nay là 51%), số cổ phần còn lại do hơn 4.000 cổ đông khác nắm giữ.
5. Giai đoạn 2011 – 2020: Vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển ổn định và bền vững
Trong lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển, giai đoạn 2011-2020 là khoảng thời gian mà thị trường có nhiều khó khăn, thách thức nhất mà Vosco nói riêng và ngành vận tải biển nói chung đã phải trải qua. Khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu bùng phát từ năm 2008 và kéo dài tới bây giờ với rất nhiều hệ lụy xấu đã ảnh hưởng trầm trọng đến thị trường vận tải biển và làm suy giảm rất nhiều các nguồn lực quan trọng của Công ty.
Để thương hiệu VOSCO tiếp tục tồn tại và phát triển, xứng đáng với truyền thống 50 năm lịch sử; từ sự hỗ trợ về chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, Công ty đã nhanh chóng tập trung nguồn lực xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu đội tàu và tái cơ cấu tổ chức. Điều này đã góp phần tích cực giúp Công ty trong 03 năm gần đây từ 2017 – 2019 đều hoàn thành kế hoạch đề ra và có lãi.
Thời gian vừa qua, để phù hợp với tình hình thực tế, Công ty đã thay đổi tư duy khai thác kinh doanh đội tàu bằng việc nâng dần tỷ trọng đội tàu thuê ngoài, đã tận dụng thị trường, thuê nhiều chủng loại tàu để tăng năng lực vận chuyển, tăng khả năng quay vòng, kết hợp đảo lịch tàu, giảm thời gian chạy không hàng qua đó nâng cao hiệu quả khai thác từng nhóm tàu.
Trong giai đoạn hiện nay, khi các nền kinh tế đều tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào tiến trình toàn cầu hóa, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, trước những nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... phát triển bền vững đang dần trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Không nằm ngoài xu hướng chung đó, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam không chỉ cam kết nỗ lực cung cấp cho khách hàng dịch vụ vận tải chất lượng, chuyên nghiệp và uy tín mà còn luôn chú trọng đến việc xây dựng chính sách phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhằm mục đích gia tăng lợi ích cho khách hàng, đối tác, cộng đồng, xã hội, duy trì và phát huy truyền thống của một đơn vị luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng và đất nước.
Năm mươi năm là một chặng đường đủ dài để kiểm chứng những nỗ lực và thành quả của nhiều thế hệ người lao động Vosco. Từ một đội tàu nhỏ với những tàu buồm vỏ gỗ và tàu vỏ sắt, đến những con tàu hàng khô hàng rời, tàu dầu sản phẩm và tàu container; từ những năm tháng oanh liệt, hào hùng thực hiện cả nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, đến thời kỳ xây dựng, phát triển đội tàu vững mạnh theo hướng hiện đại hóa, tăng sức cạnh tranh để hội nhập và mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới; đến những nỗ lực, sáng tạo và giải pháp quyết liệt, phù hợp, hiệu quả để vượt qua cơn suy thoái kéo dài của thị trường vận tải biển trong thời gian vừa qua, mỗi giai đoạn, mỗi dấu son trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Công ty đều gắn liền với sự phát triển và những thăng trầm của vận tải biển Việt Nam, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của ngành hàng hải.
Nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, những con tàu treo lá cờ đỏ sao vàng, mang thương hiệu Vosco đã cập bến hàng trăm cảng biển của hàng trăm quốc gia trên thế giới, luôn vững vàng trước nhiều khó khăn, sóng gió, vẫn bền bỉ “vươn ra biển lớn”, tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của một công ty vận tải biển hàng đầu cả nước. Công ty đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba… và liên tục nhiều năm được nhận cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và UBND Thành phố Hải Phòng.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm, Công ty luôn trân trọng và biết ơn sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ; của Thành ủy, UBND, HĐND TP. Hải Phòng, Cục Đường biển, Tổng cục Đường biển, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước qua các thời kỳ phát triển; sự tin tưởng và hợp tác của các khách hàng, đối tác, các cổ đông và đặc biệt là sự đóng góp của các thế hệ cán bộ nhân viên, sỹ quan thuyền viên Công ty, những người đã chung tay viết nên những trang vàng truyền thống Vosco, bằng tinh thần dũng cảm kiên cường của người chiến sỹ giao thông vận tải, bằng cả những hy sinh thầm lặng, bằng trí tuệ và những nỗ lực không ngừng, giúp cho Vosco hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong từng thời kỳ lịch sử.
Vosco cũng tự hào là một trong những người tiên phong mang lá cờ đỏ sao vàng, mang hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Niềm vinh dự và tự hào đó sẽ tiếp thêm niềm tin và động lực để người lao động Vosco ngày nay tiếp tục cùng chung sức, đồng lòng, đoàn kết thống nhất trong việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, góp phần gìn giữ thương hiệu và giúp con tàu Vosco luôn vững vàng tiến ra biển lớn.