Ngày Thuyền viên thế giới: Phản ứng chậm chạp của các chính phủ đối với các vấn đề thuyền viên trong đại dịch Covid-19 đã đẩy họ tới tận cùng giới hạn
Ngày Thuyền viên thế giới: Phản ứng chậm chạp của các chính phủ đối với các vấn đề thuyền viên trong đại dịch Covid-19 đã đẩy họ tới tận cùng giới hạn Ngày Thuyền viên thế giới: Phản ứng chậm chạp của các chính phủ đối với các vấn đề thuyền viên trong đại dịch Covid-19 đã đẩy họ tới tận cùng giới hạn

Hiệp hội quốc tế các chủ tàu hàng khô (Intercargo), tiếng nói đại diện cho các chủ tàu hàng khô trên toàn thế giới cho biết: mặc dù mọi cơ quan, tổ chức của ngành vận tải biển đã triển khai chiến dịch công nhận thuyền viên là lực lượng lao động chủ chốt (Seafarers are Key Workers) để thúc đẩy ban hành các chính sách tạo điều kiện cho việc thay thuyền viên, rất nhiều chính phủ vẫn đang do dự trong việc thực hiện.

1. Thuyền viên – lực lượng lao động chủ chốt

Gần như 90% khối lượng hàng hóa lưu thông trên thế giới hiện nay được vận chuyển bằng đường biển, trên các tàu thương mại. Tàu biển vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu thô, các mặt hàng thiết yếu và tất cả các loại hàng hóa mà mọi người trên thế giới cần dùng trong cuộc sống hàng ngày. Vận chuyển bằng đường biển là huyết mạch, giúp phát triển kinh tế toàn cầu và không hề cường điệu khi khẳng định rằng, hầu hết những sản phẩm, hàng hóa chúng ta đang sử dụng mỗi ngày đều được vận chuyển bằng đường biển hoặc được sản xuất từ những nguyên vật liệu được vận chuyển qua đường biển. Kể từ năm 2010, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã gửi lời tri ân đến những người đi biển trên toàn thế giới vào ngày 25/6, với tên gọi: “Ngày Quốc tế Thuyền viên - Day of Seafarer”- ngày của những người đi biển, ngày để tất cả chúng ta tôn vinh vai trò quan trọng của họ.

Năm 2020, thế giới kỷ niệm ngày thuyền viên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Để vượt qua đại dịch, chúng ta không thể không duy trì nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men, hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng, các nhà máy không thể không có nguyên vật liệu để sản xuất và dịch vụ vận tải, logistics để vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa. Trong giai đoạn đầy khó khăn này, có lẽ cuộc sống của chúng ta không thể thiếu họ, thuyền viên, những người chiến sỹ tuyến đầu đang ngày đêm lao động trên các tàu biển, thực thi sứ mệnh đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính vì vậy, ngày 25/6 – ngày của những người đi biển năm nay được Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) tôn vinh với chiến dịch kêu gọi các quốc gia thành viên công nhận thuyền viên là lực lượng lao động chủ chốt, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa và mở rộng các lựa chọn về đi lại cho họ trong đại dịch.

2. Thuyền viên không thể hồi hương trong đại dịch – những hệ lụy và nỗ lực kêu gọi sự hợp tác từ các chính phủ

Intercargo dự đoán khoảng 30% số thuyền viên trên các tàu hàng vẫn đang phải tiếp tục làm việc dù đã hết thời hạn làm việc theo hợp đồng, và ít nhất 5% trong số họ đã làm việc trên tàu hơn 12 tháng, vi phạm quy định về thời gian làm việc tại Công ước Lao động Hàng hải (MLC), trong số đó, có rất nhiều thuyền viên đã ở trên tàu tới 15-16 tháng liền.

Ông Dimitris Fafalios, Chủ tịch Intercargo cho biết: “Ngành vận tải biển may mắn chưa xảy ra những sự cố nguy hiểm đến tính mạng trên biển nhưng một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ, các cơ quan y tế, hàng hải, hàng không trên toàn thế giới nhanh chóng giải quyết tình trạng nguy cấp này. Chúng ta không chỉ cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần và tâm trí của thuyền viên, mà còn phải lường đến những nguy cơ về an toàn đang hiện hữu khi tàu biển được vận hành bởi những thuyền viên đã mệt mỏi và kiệt quệ về thể chất. Chúng tôi đề nghị các chính phủ ghi nhận những cam kết mà thuyền viên đã thực hiện trong đại dịch này, công nhận họ là lực lượng lao động chủ chốt với những chính sách đặc thù, mở cửa biên giới và cho phép họ trở về nhà”

Ông Jay K. Pilai, Phó chủ tịch Intercargo cũng cho biết thêm: “Với chính sách ngăn cấm thuyền viên nhập tàu và rời tàu tại các cảng biển, các chính phủ đang đẩy những người đi biển tới tận cùng giới hạn của họ. Các quốc gia đang ban hành các chính sách phong tỏa, lệnh cấm đi lại, không thực hiện các chuyến bay thương mại và không cấp visa nhập cảnh cho thuyền viên nhập tàu hoặc rời tàu để hồi hương bằng đường hàng không qua các sân bay quốc tế hoặc các hãng hàng không đang hoạt động ”

Bên cạnh đó, Intercargo cũng gửi lời cảm ơn tới các chính phủ đã tích cực tạo điều kiện cho việc thay thế thuyền viên và kêu gọi lãnh đạo của các quốc gia tham gia vào lĩnh vực hàng hải đảm bảo rằng, sau ngày 30/6/2020, không có thuyền viên nào phải làm việc trên tàu quá thời hạn quy định trong Hợp đồng lao động. Những người đi biển – lực lượng lao động chủ chốt của thế giới, sẽ được tự do:

  • Bay tới bất kỳ cảng nào qua bất kỳ hãng hàng không nào, quá cảnh tại các sân bay và được cấp visa tại cửa khẩu (visa on arrival) để lên tàu thay cho các thuyền viên đã làm việc quá thời hạn;
  • Rời tàu tại bất kỳ cảng biển nào với thị thực mà không cần xác nhận đặt vé máy bay, được bay cùng bất kỳ hãng hàng không nào và quá cảnh tại mọi sân bay để  hồi hương.

Tổng kết và nhấn mạnh quan điểm của Intercargo, ông Sryros Tarasis, Phó chủ tịch khẳng định: “Ngày thuyền viên thế giới năm 2020, chúng ta tri ân và ghi nhận sự hy sinh của họ, đồng thời nhận thức các vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Rất nhiều thuyền viên đã xa nhà, lênh đênh trên biển hàng tháng trời và vẫn chưa biết được đến bao giờ họ mới có thể trở về do các lệnh cấm đi lại. Chúng tôi cùng kêu gọi các chính phủ trên thế giới đối xử với thuyền viên một cách tôn trọng, xứng đáng với những cống hiến của họ để họ có thể tiếp tục đóng góp cho ngành dịch vụ thiết yếu của thế giới– vận tải biển, duy trì sự ổn định của thương mại toàn cầu”.

(Tổng hợp một số bản tin của IMO và TankerOperators)


Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam

Vietnam ocean shipping joint stock company

vận tải biển hàng đầu

vận tải biển uy tín, chất lượng

vận tải biển tàu hàng khô

vận tải biển tàu dầu

vận tải biển tàu container