Những năm gần đây, thuyền viên không còn mặn mà với nghề đi biển. Ngay cả các doanh nghiệp vận tải biển uy tín cũng khó tuyển dụng thuyền viên. Vậy đâu là nguyên nhân?
Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thăm hỏi thuyền viên điều khiển tàu. Ảnh: CĐ
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là gần 1.600 chiếc với khoảng 4 vạn thuyền viên đang có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để làm việc trên tàu biển.
Trong đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam quản lý và khai thác đội tàu biển có tổng trọng tải hơn 1,8 triệu tấn gồm các tàu vận chuyển hàng, tàu chở dầu và tàu container. Đội tàu của Tổng Công ty chiếm khoảng 25% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia, hàng năm chuyên chở tới 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.
Hằng năm, chi phí bảo quản, bảo dưỡng cho đội tàu của Tổng Công ty tăng so với năm trước. Các quy định của các luật, công ước liên quan đến ngành Hàng hải ngày càng siết chặt khiến các doanh nghiệp vận tải biển có vốn góp của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam càng thêm khó khăn.
Từ đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công việc và đời sống của thuyền viên (do không thay được thuyền viên, ốm đau không có điều kiện lên bờ chữa, thuyền viên nghỉ ở nhà không có điều kiện làm việc tiếp, thủ tục và chi phí cách ly tốn kém..). Mặc dù, chế độ đãi ngộ, lương thưởng đã được cải thiện nhiều nhưng so với nhiều công việc trên bờ, nghề thủy thủ cũng không còn hấp dẫn như trước.
Tàu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Ảnh: ST
Việc tuyển dụng và phát triển đội ngũ thuyền viên đang gặp không ít khó khăn. Thuyền viên phải luân phiên làm việc theo ca 24 giờ liên tục trong ngày, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết. Chưa kể môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (sóng gió, bão tố, có khi gặp cướp biển, khủng bố…). Thuyền viên thiếu thốn tình cảm do phải xa gia đình, người thân, ít có điều kiện tiếp cận xã hội.
Mức lương thuyền viên Việt Nam chưa tương xứng với sức lao động và mức độ rủi ro nghề nghiệp. Thị trường vận tải biển thế giới và Việt Nam liên tục sụt giảm. Các doanh nghiệp vận tải biển gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc tiền lương, thu nhập của thuyền viên Việt Nam thấp, không hấp dẫn người lao động, nhất là lao động trẻ. Thuyền viên không thực sự muốn gắn bó lâu dài với nghề…
Nghị quyết số 36-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã chỉ rõ: "...Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế".
Các sỹ quan, thuyền viên thuộc đơn vị thành viên có vốn góp của Tổng Công ty.
Để khuyến khích đội ngũ thuyền viên, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Cụ thể, Khoản 3, Điều 2 của Luật đã bổ sung Khoản 15, Điều 4 về thu nhập được miễn thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012: "Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế".
Nhưng quy định trên còn bất cập bởi thuyền viên làm việc trên tàu biển chạy tuyến trong nước vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thuyền viên dù chạy tuyến quốc tế hay tuyến nội địa cũng vẫn phải chi phí hai đầu bến cảng rất đắt đỏ. Trong khi mức lương thuyền viên chạy tuyến nội địa thấp hơn chạy tuyến nước ngoài nên thuyền viên có xu hướng chỉ lựa chọn đi tuyến quốc tế.
Hiện nay, quy định về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với thuyền viên còn chưa phù hợp. Thuyền viên làm việc trên tàu từ 6 đến 10 tháng liên tục, sau đó sẽ thực hiện nghỉ dự trữ trung bình từ 2 đến 4 tháng. Mọi thu nhập kể cả tiền làm thêm giờ, tiền phép đều được chi trả trong khoảng thời gian làm việc trên tàu. Thời gian nghỉ dự trữ thường không có bất kỳ một khoản thu nhập nào. Luật Bảo hiểm xã hội quy định thuyền viên là một nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định nghỉ hưu ở tuổi 55. Với thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 6 - 10 tháng/năm thì đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thuyền viên sẽ không đảm bảo được thời gian đóng bảo hiểm xã hội (dưới 35 năm) để hưởng đầy đủ các quyền lợi về chế độ hưu trí theo quy định hiện hành (75%).
Các sỹ quan thuyền viên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải biểu dương, khen thưởng.
Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, anh Phạm Anh Nhân - kỹ sư điều khiển tàu biển, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (thuộc Tổng công ty) đã thay mặt người lao động kiến nghị với Thủ tướng 2 vấn đề liên quan trực tiếp đến chế độ, chính sách của sỹ quan, thuyền viên.
Đó là, đề nghị bổ sung việc miễn thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nói chung (gồm thuyền viên làm việc trên các tàu chạy tuyến nội địa và tuyến quốc tế) nhằm phát triển đội tàu quốc gia chuyên tuyến nội địa. Thuyền viên mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, xem xét quy định cho thuyền viên được đóng bảo hiểm xã hội theo mức bình quân theo tháng đối với thu nhập trong một năm và đóng liên tục trong 12 tháng/năm. Đồng thời, Nhà nước có chính sách quy định mức lương tối thiểu cho thuyền viên theo mức lương tối thiểu hàng tháng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quy định đối với chức danh thủy thủ, thợ máy là 618 đô la Mỹ, tương đương 14.306.700 đồng.
Thuyền viên là lao động kỹ thuật cao và có điều kiện làm việc vất vả.
Thuyền viên được ví là “linh hồn” của lĩnh vực vận tải biển. Những mong muốn của thuyền viên là chính đáng và cần được cơ quan chức năng lắng nghe để có thể phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành Hàng hải.
Nguồn https://cuocsongantoan.vn/vi-sao-doanh-nghiep-uy-tin-cung-kho-tuyen-dung-thuyen-vien-54124.html