Theo Báo cáo đánh giá Vận tải biển năm 2012 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) mới đây, sản lượng hàng hóa vận tải đường biển, thước đo nhu cầu về vận tải biển, các dịch vụ cảng biển và logistic đã tăng 4% trong năm 2011, đạt mức kỷ lục là 8,7 tỷ tấn. Tuy nhiên, cũng trong năm qua, sự tăng trưởng của lượng cung tàu trên thị trường lại lớn hơn nhiều, khoảng 10%, và lần đầu tiên trong lịch sử tổng trọng tải đội tàu thế giới đạt 1,5 tỷ tấn. Sự mất cân bằng cung cầu này là thông tin không vui và bất lợi cho ngành vận tải biển, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục gia tăng lượng cung tàu và sự mong manh, bất ổn của nền kinh tế thế giới đang đe dọa viễn cảnh nhu cầu vận tải có điều kiện tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, cùng với sự tăng trưởng của lượng hàng hóa vận tải bằng đường biển trong năm 2011, sản lượng hàng thông qua các cảng trên toàn cầu cũng tăng khoảng 5,9%. Trong số đó, 60% khối lượng hàng xếp lên tàu và 57% khối lượng hàng dỡ khỏi tàu được thực hiện tại các cảng biển của các nước đang phát triển. Đây là một sự thay đổi đáng ghi nhận so với trước đây, khi mà các cảng của các nước đang phát triển hầu như chỉ là nơi để xếp các mặt hàng nguyên liệu thô và khoáng sản tự nhiên.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng sự mất cân bằng cung – cầu đã tăng thêm sức ép lên thị trường cước và tình hình tài chính của nhiều công ty vận tải biển càng khó khăn hơn do doanh thu giảm, lợi nhuận bị xói mòn. Dẫu vậy, báo cáo của Unctad cũng cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, việc giảm giá cước cũng có chút ý nghĩa tích cực, đặc biệt là với các nước đang phát triển đang phải chịu chi phí vận tải cao. Giá vận chuyển một container 20-foot từ Thượng Hải (Trung Quốc) tới Bắc Âu giảm một nửa từ mức bình quân là 1.789 USD trong năm 2010 xuống còn 881 USD trong năm 2011, trong khi giá vận chuyển một container 40-foot từ Thượng Hải đến Bờ Tây nước Mỹ cũng giảm từ 2.308 USD xuống 1.667 USD.
Từ năm 2011 đến 2012, tỷ trọng các quốc gia có trao đổi thương mại trực tiếp qua các tuyến vận tải chuyên tuyến giữa hai nước vẫn ổn định ở tỷ lệ 18%. Cũng trong giai đoạn này, số lượng trung bình các hãng vận tải chuyên tuyến quốc tế giảm 4,5%. Trong khi đó, trọng tải trung bình của tàu container lớn nhất tăng 11,5%. Từ năm 2004 đến 2011, tính trung bình số lượng hãng vận tải chuyên tuyến đã giảm tới gần 23% trong khi trọng tải bình quân của những tàu container lớn nhất được khai thác lại tăng gần gấp đôi. Đối với vận tải container, việc tăng kích cỡ tàu, tăng năng lực vận chuyển và xóa bỏ cạnh tranh là những xu hướng nổi bật và được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong vài năm tới.
Những quy định và khung pháp lý quốc tế cơ bản điều tiết, hỗ trợ vận tải và thương mại cũng là vấn đề được quan tâm. Báo cáo cũng đề cập đến những quy định quan trọng liên quan đến giới hạn về nghĩa vụ pháp lý trong các khiếu nại hàng hải, khuyến khích giao thương, đảm bảo an ninh hàng hải và an ninh cho chuỗi cung ứng, an toàn hàng hải và các vấn đề môi trường. Trong số những quy định mới, đáng chú ý là việc thiết lập các biện pháp bắt buộc về kỹ thuật và khai thác để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) trong hoạt động hàng hải quốc tế có sự ủng hộ của IMO đã được thông qua hồi tháng 7/2011. Dự kiến các quy định này sẽ có hiệu lực vào 01/01/2013.
(Theo Bản tin www.worldmaritimenews.com ngày 05/12/2012)