Trang chủ / Tin tức và sự kiện / Gỡ “nút thắt” giao thông, tránh nguy cơ tắc nghẽn cảng Cát Lái

Gỡ “nút thắt” giao thông, tránh nguy cơ tắc nghẽn cảng Cát Lái

Nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp phân bổ hàng hóa, đầu tư hạ tầng giao thông để hoạt động khai thác cảng Cát Lái phát triển bền vững.

Hàng loạt cảng biển sẵn sàng “chia lửa” với Cát Lái

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến về các vấn đề liên quan đến cảng Cát Lái do Cục Hàng hải VN tổ chức hôm nay (12/8), ông Nguyễn Năng Toàn, Phó TGĐ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện hoạt động sản xuất tại cảng Tân Cảng Cát Lái đã thông suốt. Dung lượng hàng tồn bãi chỉ xoay quanh khoảng 85%, nguy cơ tắc nghẽn hàng hóa như dự báo ở thời điểm cuối tháng 7/2021 đã được ngăn chặn.

“Thời gian giao nhận ở cảng nhanh, các tàu không phải chờ cầu, khách hàng đến cảng không gặp phải vướng mắc gì trong quá trình giao nhận”, ông Toàn thông tin.

gỡ "nút thắt" giao thông, tránh nguy cơ tắc nghẽn cảng cát lái

Cảng Cát Lái hiện đã qua thời gian căng thẳng về áp lực hàng tồn do nhiều nhà máy, xí nghiệp tạm dừng sản xuất do dịch – Ảnh minh họa

Mặc dù Cát Lái đã qua thời điểm căng thẳng nhất, song, ông Nhữ Đình Thiện, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý Môi giới hàng hải cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp “dài hơi” hơn là điều phối các tàu từ các khu vực: Cái Mép, Hiệp Phước đang về Cát Lái sang các cảng/ICD lân cận để phòng nguy cơ tắc nghẽn cảng lại tiếp tục xuất hiện tại cảng container trọng điểm phía Nam.

“ “Để đảm bảo sự ổn định khai thác của cảng Cát Lái nói riêng, cảng biển TP Hồ Chí Minh nói chung, Hiệp hội Cảng biển VN cần khẳng định hơn nữa vai trò, tăng cường liên kết (tuyến bến, khách hàng, kho bãi) để các hội viên có tiếng nói chung, tương hỗ giải quyết khó khăn cùng nhau. Sự phân tán bến cảng trong tư duy hành động sẽ ảnh hưởng lớn năng lực cạnh tranh của cảng biển quốc gia”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN.”

Theo ông Nguyễn Quốc Vương, Giám đốc điều hành cảng SP-ITC, cảng này hiện có công suất 2 triệu TEUs/năm, năng lực tiếp nhận tàu đến 45.000 DWT. Tuy nhiên, thời gian qua, sản lượng hàng qua cảng vẫn khiêm tốn, năm 2021 dự kiến chỉ đạt khoảng 900.000 TEUs. Hệ số sử dụng cảng mới đạt 80% công suất thiết kế. Vì vậy, cảng này vẫn còn dư địa để tiếp nhận tàu container, san sẻ áp lực cho cảng Cát Lái.

Cùng ý kiến, ông Trương Nguyên Linh, Phó TGĐ Cảng VICT (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện cảng này chủ yếu khai thác hàng container nội địa, chỉ có 2 tuyến dịch vụ của hai hàng tàu ngoại là CMA-CGM và Yangming khai thác.

“VITC có khoảng 678m cầu tàu, mớn nước trước bến hơn 11m. Để đảm bảo hoạt động khai thác cảng, doanh nghiệp cũng đang duy trì khoảng 400 nhân sự làm việc “3 tại chỗ”. Vì vậy, VITC hoàn toàn có khả năng tiếp nhận thêm tuyến dịch vụ và tàu container phù hợp với đặc thù địa hình (tĩnh không cầu Phú Mỹ), san sẻ áp lực cùng cảng Cát Lái”, ông Linh khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó TGĐ Cảng Sài Gòn cũng khẳng định, hiện nay, cảng Tân Thuận (đơn vị thành viên của Cảng Sài Gòn) có khả năng tiếp nhận được từ 2 – 3 tàu/tuần để giảm bớt áp lực cho Cát Lái.

“Tuy nhiên, do năng lực bãi chứa của Tân Thuận có giới hạn, chúng tôi chỉ ưu tiên nhận tàu, không ưu tiên nhận hàng”, ông Hưng thông tin.

Đại diện cảng Cát Lái khẳng định, cảng này vẫn đang khai thác số tuyến dịch vụ đúng theo quy định và sẵn sàng chia sẻ hàng hóa với các cảng lân cận khi hãng tàu/chủ hàng chấp thuận – Ảnh minh họa

Không mở rộng quy mô cảng Cát Lái

Để hạn chế tối đa nguy cơ ùn bãi, góp ý tại cuộc họp, ông Ngô Quang Hưng, PGĐ Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh đề nghị, tới đây, Cục Hàng hải VN tổ chức rà soát năng lực bãi của các cảng và phối hợp với cơ quan chức năng và doanh nghiệp khai thác cảng Cát Lái, nghiên cứu tiếp tục giới hạn số lượng chuyến tàu mỗi tuần như trước đây.

“Tân Cảng Sài Gòn sẽ căn cứ vào năng lực sản xuất, hạn chế số lượng chuyến ra, vào và phối hợp đưa các tàu nằm ngoài khả năng xử lý sang các cảng khác. Giải pháp này vừa tạo điều kiện nguồn hàng khai thác cho các cảng khác, vừa giảm bớt áp lực tại Cát Lái, tránh tình trạng tàu dồn quá nhiều vào một chỗ”, ông Hưng nói.

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, để đảm bảo hiệu quả khai thác của các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (nhóm 5), ngay từ năm 2013, Bộ GTVT đã ban hành, chỉ đạo Cục Hàng hải thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác nhóm cảng biển số 5 và các bến cảng Cái Mép – Thị Vải.

Trong đó, Bộ đã chỉ đạo đưa ra một số giải pháp, hạn chế đầu tư mở rộng cảng khu vực TP Hồ Chí Minh. Quá trình triển khai đề án, giải pháp giới hạn số chuyến tàu/tuần cũng đã được áp dụng để ổn định hoạt động cho cảng Cát Lái.

“Căn cứ vào tình hình thực tế, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã định hướng, khu vực Cát Lái không mở rộng mà chỉ khai thác hạ tầng cảng hiện hữu”, vị này cho hay.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, tính đến nay, nguy cơ ùn tắc tại cảng Cát Lái đã được giải quyết nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng.

“Về lâu dài, trên cơ sở Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng Cái Mép – Thị Vải, Cục Hàng hải VN sẽ thực hiện tổng kết đề án. Từ đó, có cơ sở kiến nghị xây dựng một đề án mới với những hệ thống giải pháp quy hoạch, phát triển cảng biển nhóm 5 phù hợp với năng lực khai thác của các cảng, xu hướng thay đổi cỡ tàu, sự gia tăng về sản lượng hàng hóa thông thương qua cảng biển,… ở thời điểm hiện tại.

“Cục Hàng hải cũng phối hợp rà soát lại hiện trạng của các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh, đưa ra từng nhóm giải pháp đối với từng cảng đã đạt tới công suất thiết kế và những cảng chưa phát huy được hạ tầng, công suất đã đầu tư để phát huy tổng thể cảng biển khu vực.

Trên cơ sở nghiên cứu, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng công cụ mà pháp luật cho phép để quy hoạch, phân tuyến phù hợp. Tuy nhiên, sự can thiệp của nhà nước cũng sẽ dựa trên nguyên tắc phát triển bình đẳng, không thể can thiệp thô bạo đối với từng khách hàng/hãng tàu. Song hành với công tác điều tiết, quy hoạch của cơ quan quản lý, các cảng cũng phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ, quan hệ với chủ tàu, chủ hàng để khai thác được tối đa hiệu quả dự án cảng đã đầu tư”, ông Giang nói.

gỡ "nút thắt" giao thông, tránh nguy cơ tắc nghẽn cảng cát lái

Tháo điểm nghẽn giao thông kết nối cũng được coi là giải pháp căn cơ ngăn chặn sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa tại Cát Lái – Ảnh minh họa

Gỡ “nút thắt” giao thông, tránh nguy cơ kẹt cảng

Phó giám đốc CVHH TP Hồ Chí Minh Ngô Quang Hưng thông tin, theo thống kê của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, lượng xe đi qua đường Nguyễn Thị Định tối đa trong ngày theo thiết kế là 12.500 lượt xe. Tuy nhiên, hiện nay, riêng lượng xe đi đến cảng Cát Lái đã đạt 14.000 – 16.000 lượt xe/ngày, có ngày lên đến 22.000 lượt, chưa kể lượng phương tiện dân sinh.

Trong khi đó, thống kê của cảng vụ cho thấy, năm 2020, sản lượng hàng container qua cảng biển TP Hồ Chí Minh là 6,9 triệu TEUs, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3,8 triệu TEUs, tăng hơn 19%. Sản lượng hàng tăng rất mạnh trong khi cơ sở hạ tầng sau cảng chưa có cải thiện. Với tình hình tăng trưởng hàng hóa container hiện nay, tình trạng kẹt sau cảng sẽ thường xuyên xảy ra.

Ông Nguyễn Năng Toàn cho biết, thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn và cảng SP-ICT đã kiến nghị rất nhiều với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh về việc đầu tư đồng bộ kết nối đường Nguyễn Duy Trinh với cảng SP-ICT và Tân Cảng Phú Hữu để giảm bớt áp lực tắc nghẽn, tăng nguy cơ kẹt cảng. Nhưng đến giờ, tình trạng giao thông kết nối đến các cảng còn triển khai chậm, khả năng tiếp nhận tàu và phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu vì thế cùng bị ảnh hưởng theo.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Hồng Giang cho biết, quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới đang trình Thủ tướng phê duyệt đã định hướng, cảng biển sẽ được ưu tiên lựa chọn vị trí. Vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cho cảng biển là hệ thống đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt tùy thuộc vào lượng hàng hóa thông qua cảng, chủng loại hàng, cự ly, điều kiện tự nhiên.

Quy hoạch cảng biển lần này cũng được Bộ GTVT chỉ đạo làm đồng thời với quy hoạch 4 lĩnh vực giao thông còn lại (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa).

“Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thời gian tới, mạng lưới kết nối đến cảng biển, trong đó có cảng Cát Lái và các cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thiện hơn. Cảng biển được xây dựng là sẽ có hệ thống đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối phục vụ đưa/rút hàng tại cảng” ông Giang khẳng định.

Xác định quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ còn mất nhiều thời gian do nguồn lực phải huy động tương đối lớn, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang cũng đề nghị các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh sớm triển khai hạ tầng kết nối mềm, số hóa tạo một hệ sinh thái trao đổi thông tin giữa cảng biển với cảng biển và cảng biển với khách hàng/hãng tàu, chia sẻ cầu bến, bãi chứa container để năng lực luân chuyển hàng hóa giữa các cảng sẽ tốt hơn, việc tiếp nhận tàu sẽ diễn ra theo nguyên tắc tàu vào đúng thời gian và hàng được rút đúng thời điểm.

Nguồn: baogiaothong